Nguyên tửu quán này vẫn cha truyền con nối, có từ đời tiền Minh cho
đến nay. Chủ quán họ Hồng tên Gia Hoàn, từ bao nhiêu đời tổ tiên đến hiện
tại cùng là môn đồ Thiếu Lâm tự.
Đối với môn đồ thành tài từ chùa ra về thì, sau nhiều năm cơm chay
kham khổ trên chùa, tâm lý con người ta là “đánh chén” một bữa thật say
sưa cho đỡ thèm, mà cũng là bữa tiệc giã từ khu vực mà trước kia - hồi
tưởng lại - họ bỡ ngỡ như mọi người thường, không biết lấy một ngọn
quyền, một thế cước.
Trái lại, bây giờ con người ấy ra đi với tấm thân vạm vỡ, cường tráng
của một dũng sĩ bản lãnh tuyệt luân, với danh từ “Môn đồ Thiếu Lâm tự”
được chánh thức hạ sơn.
Còn đối với người đến xin học, họ đều biết nếu được thâu nhận thì
những chuỗi ngày, tháng, năm dài dằng dặc sau đây, họ sẽ phải theo quy
luật chay tịnh của nhà chùa.
Hồng Gia không những là môn đồ Thiếu Lâm mà còn là người xứ sở,
hiểu tâm lý đó nên lập Môn Sinh quán treo chiêu bài ở khắp bốn cửa ngoại
thành để cho những người mới biết đường tìm đến ăn, trọ trước khi vào
chùa.
Nếu các môn đồ đồng khóa cùng hồi hương trong một buổi thì Môn Sinh
quán là nơi để họ chuốc chén từ biệt sau nhiều năm chung sống, hẹn non
xanh chẳng đổi, nước biếc còn dài, hứa ngày hậu hội.
Từ mấy thế kỷ nay, trải qua bao thế sự thăng trầm, quán môn sinh vẫn trơ
trơ tuế nguyệt và quán chủ vẫn người họ Hồng truyền nghiệp. Ngoài mấy
môn quyền, cước, họ Hồng đặc biệt thông thạo Kiếm pháp nổi danh khắp
vùng Giang Nam. Thiên hạ không hiểu gọi là môn “Hồng gia Kiếm”. Thiệt
ra Kiếm pháp nổi danh của họ Hồng phát tích từ Thiếu Lâm tự và “Hồng
Gia Kiếm” tức là Thiếu Lâm kiếm pháp.
Chí Thiện sư trưởng về đến chùa, các môn đồ tăng lục tục kéo nhau ra
đón chào hân hoan.
Thời ấy, trưởng tràng là tăng nhân đạo hiệu Thái Minh hòa thượng. Sư
trưởng hỏi ngay :
- Ngũ Mai sư bá còn đây không?