Số môn đồ theo sư phụ khổ luyện luôn một lèo mười hay dư mười năm
rất hiếm. Đạt tới cấp bực ấy, người môn đồ đã thâu nhận được hết tinh hoa
Võ thuật, bản lãnh ngang tay với các bực địa sư, duy chỉ thua về phương
diện kinh nghiệm lúc ra đời.
Mã Hùng luận lý rất trúng, nhưng có khía cạnh mà chàng không nghĩ tới.
Về phần luyện đại lực ngoại công, Bạch Vân tự có đủ dụng cụ canh tân
cho Các môn đồ luyện tập. Nhưng Chiêu Dương thiền sư và đại sư Hồng y
Lã Tứ Nương - trưởng Bắc phái Sơn Đông và là sư phụ của Lã Mai Nương,
Cam Tử Long - cho rằng các dụng cụ canh tân tiện dụng cho các môn đồ,
nhất là cho những võ phái thu nhận nhiều môn đồ. Song le, chính vì sự tiện
dụng ấy, người tập luyện không bị khó khăn nên xuất ít công phu hơn. Trái
lại, theo phương pháp cổ truyền, môn đồ sẽ không được tiện tay, tốn công
khổ luyện hơn và dĩ nhiên kết quả thâu lượm được cũng lớn hơn. Đào luyện
theo phương pháp cổ truyền, người môn đồ chắc chắn phi thường vì đã triệt
để khổ luyện trong thời kỳ học tập.
Tỉ dụ như phương pháp cử tạ chẳng hạn. Một số võ phái chỉ chuyên dùng
các bánh xe đá lồng vào trục cây sắt. Trái lại sư trưởng Bắc phái Sơn Đông
bắt Lã Mai Nương, Cam Tử Long và Vô Sơn chuyển các tảng đá (đã nói tới
trong một số trước rồi) từ sườn núi lên khu đất bằng trước cổng Chùa và trả
lại chỗ cũ dưới sườn núi.
Luyện ngoại công cách này tốn công, khó nhọc hơn là cử hai bánh xe đá,
tất nhiên sự thành công cũng vượt bực.
Suốt trong thời gian trên mười năm trời. Mai Nương, Tử Long chuyên
lối khổ luyện nên tuy là cùng cấp bực cao đồ, hai người đã vượt bậc đi tới
mức cao siêu đẳng phi thường.
Phương châm của Chiêu Dương thiền sư và Lã đại sư là đào tạo ít môn
đồ Nhưng người nào đã theo đến nơi, đến chốn chắc chắn phải kiêu dũng
vô địch.
Mã Hùng biết sao nổi khía cạnh đặc biệt ấy của Bắc phái Sơn Đông nên
dự đoán hai tráng sĩ bí mật đã cứu anh em Phương gia trong Kim Môn
điếm thuộc cấp bực cao đồ, mà một khi đã đồng hạng, bất quá từ dũng lực
tới bản lãnh hai bên chỉ ngang ngang xấp xỉ nhau thôi.