thơ văn. Thậm chí, vào những buổi chiều, từ cánh cửa ngôi gác, bà nhìn
thấy tấm lưng dài khi ông đang cúi xuống viết với cây bút lông hoặc giữa
tiếng thoi lanh canh nhẹ nhàng của khung dệt bà nghe được vài đoạn giảng
bài của ông cho học trò và cảm thấy tâm hồn mình vợi đi bao nỗi lo lắng.
Thật sung sướng khi một làn gió nhẹ mơn man trên cổ bà, và càng sung
sướng hơn nhiều khi được nghe giọng nói của ông để biết rằng ông ở đây,
rất gần, và đúng là của bà. Chỉ điều đó thôi cũng đủ để bà quên lãng phần
còn lại của thế gian này.
Trong một buổi chiều mùa hạ nóng bức, khi ông đang say giấc nồng sau
những bức mành tre buông thõng và tịnh không có một dấu hiệu báo trước,
phong thư thứ hai của ngài Quận công bọc trong chiếc bao trắng lại đến.
Lòng tràn ngập nỗi buồn sâu sắc, bà Tuyết tự tay đưa phong thư cho ông rồi
lùi vào trong, bà nhắc mọi người cùng làm như vậy và tin chắc rằng ông sẽ
cho gọi bà ngay sau đó. Song bà đã nhầm!
Bà còn phải chờ đợi mươi ngày nữa để rồi một đêm trong tình chăn gối,
ông mới đành thổ lộ tâm can mình:
- Mình ơi, không chóng thì chầy, thể nào tôi cũng phải ra kinh đô một
lần, một lần thôi. Than ôi! Rồi đây giữa ánh sáng tưng bừng của hoàng
cung, tôi sẽ không còn được ung dung thư thái, tôi sẽ phụ lòng hoa lá cỏ
cây nơi núi non xưa cổ này.
Bà nhìn ông dưới ánh sáng chập chờn những cây đèn trong đêm tối. Những
lời vừa rồi của ông chưa nói rõ được tất cả, bà hẳn biết thế. Khẽ khàng, bà
tìm bàn tay ông và đặt nhẹ vào trán mình. Sau bao nhiêu năm sống chung,
bao nhiêu niềm vui cùng hưởng, bao nhiêu gian khó phải đương đầu, với
bà đêm nay như là một đêm định mệnh: họ đang đi vào một con đường hầm
tăm tối mà ở cuối nỗi đau là cái chết đang chờ đón.
Rất tâm đầu ý hợp, bà thanh thản trả lời ông:
- Thầy mình ơi! Thầy đã trải qua cả cuộc đời để có được nhiều công lao.
Trong việc giáo dục học trò, thầy đã hết lòng hết sức giúp đỡ bao nhiêu