Ba huyện phủ Tùng Giang có hơn một nghìn tám trăm sinh đồ, thật sự
có thù với Đổng thị thì chỉ có mười mấy người thôi. Tuyệt đại đa số sinh đồ
không thù không oán với Đổng Thị. Nhưng hơn chục sinh đồ này đoàn kết
lại thì sẽ trở thành một lực lượng không hề nhỏ. Hơn mười người này đều
có anh em bạn bè, điều đó có thể gây ảnh hưởng đến rất nhiều người. Chính
vậy mà “ Thư họa khó luận được tiếng lòng “ và “ Ghi chép tội ác của
Đổng thị “ đều là những tác phẩm tất yếu, nó ảnh hưởng đến dư luận, khiến
cho đại đa số sinh đồ và dân chúng không có thù oán với Đổng thị đều
đứng về bên phía bọn họ cùng lên án phê phán Đổng thị.
Chư sinh Tùng Giang đều cho rằng lần đảo Đổng này cục diện thắng lợi
đã định rõ, ngoại trừ Kim Lang Chi, Ông Nguyên Thăng là những bạn tốt
của Phạm Sưởng vẫn còn đang buồn bã với nỗi đau mất bạn, những người
khác đều nâng chén cạn ly, hãnh diện vui sướng đàm luận với nhau. Tiệc
tàn, sinh đồ Hoa Đình ai về nhà nấy, những người huyện khác thì ở lại quán
trọ, hẹn nhau ngày mai lại tụ tập ở trước phủ nha, giám sát Hoàng Tri phủ
và Ngô thôi quan thẩm án. Ở lại nhà trọ Vũ Hạc gồm có chín người: ba anh
em họ Trương, Lục Thao, Dương Thạch Hương, Hồng Đạo Thái, Kim
Lang Chi, Ông Nguyên Thăng và Tưởng Sĩ Kiều.
Trong phòng khách của Trương Nguyên, chín người bọn họ ngồi bao
quanh một chiếc bàn vuông, cây đèn sứ hai bấc màu trắng trên bàn chiếu
ánh sáng vàng vọt, Trương Nguyên nói:
- Cẩn tắc vô áy náy, chư vị thử nghĩ xem Đổng thị có còn thủ đoạn nào
có thể phản kích lại chúng ta chăng? Chúng ta đều là học trò, theo đuổi tiền
đồ khoa bảng, tuyệt đối không thể chỉ vì chuyện này mà chịu bất cứ sự
trừng phạt nào.
Trương Ngạc không đồng ý, nói:
- Đổng Kỳ Xương được cõng về như con chó chết, theo ta vài ngày nữa
thôi là lão sẽ toi đời, làm sao làm được chuyện gì?