xã phó các huyện cần minh sát, thận trọng, cố gắng đề phòng hạng gian trá
giảo hoạt lẫn vào, đừng vì muốn Hàn Xã lớn mạnh mà khiến vàng thau lẫn
lộn.
Dương Thạch Hương gật đầu:
- Giới Tử huynh nói chí phải. Thà thiếu chứ không cần đồ bỏ, không
cầu người đông thế mạnh, chỉ cần người có nhận thức.
Sau khi tàn tiệc, Trương Nguyên cùng Dương Thạch Hương nghị sự,
tửu bảo dâng trà Tùng La cho hai người rồi lui đi. Trương Nguyên kể rõ ý
tưởng muốn thành lập thư cục Hàn Xã với Dương Thạch Hương, áp dụng
chế độ nhập cổ phần, xã thủ và xã phó các huyện có thể nhập cổ… Một cổ
là mười lượng bạc, một người có thể mua nhiều cổ, tạm định ra một ngàn
cổ… cũng chính là tiền vốn mười ngàn lượng, hiệu sách của Dương Thạch
Hương có thể chiết khấu tiền để nhập cổ phần. Ký kết khế ước, định rõ
quyền và trách nhiệm, lợi tức cổ phiếu hằng năm, thư cục Hàn Xã sẽ do
Dương Thạch Hương quản lý, Trương Nguyên hỏi ý Dương Thạch Hương
thế nào?
Do mấy người hợp lại bỏ tiền vốn mở tiệm, có phúc cùng hưởng, có họa
cùng chịu, đây là chuyện rất phổ biến từ năm Gia Tĩnh triều Đại Minh, vì
vậy Dương Thạch Hương khá tường tận việc nhập cổ này… Kỳ thực y
muốn hợp tác với người khác, thà làm đầu gà chứ không làm mông trâu.
Nhưng y cũng hiểu, Trương Nguyên đến tìm y trước tiên để thương lượng
thành lập thư cục Hàn Xã là có ý tốt. Với danh tiếng hiện nay của Trương
Nguyên cùng tài lực của Lục thị, hắn muốn thành lập thư cục không hề khó
khăn, khi ấy hiệu sách Dương thị của y sao có thể cạnh tranh với thư cục
Hàn Xã. Năm ngoái lợi nhuận hiệu sách Dương thị đạt hơn bốn trăm lượng
bạc, một phần lớn là nhờ cuốn “Một trăm hai mươi bài văn bát cổ Tùng
Giang do Trương Giới Tử tuyển bình”, mà những năm trước lợi nhuận của
của hiệu sách cũng thường chỉ đạt từ một đến hai trăm lượng bạc.