sàng, điện báo mỗi ngày đối ứng với một mắt sàng. Nghĩa là một
bức điện mật ứng với một mắt sàng nào đấy mới có thể giải mã,
một khi bức điện đã tìm thấy mắt sàng, vậy thì điện mật hôm ấy
có thể giải mã đúng. Nếu chúng ta đem chữ số của bức điện ví
với hạt thóc, dùng sàng để sàng, cứ sàng đi sàng lại sẽ có hạt
thóc lọt qua mắt sàng, về lí thuyết mà nói, một hạt lọt được, cả
trăm hạt cũng sẽ lọt qua. Đó là hiệu ứng đô-mi-nô, chỉ khác là,
đô-mi-nô truyền thống dùng sức người làm động lực đầu tiên để
một dẫn đến một trăm quân cờ xô ngã, nhưng đô-mi-nô tưởng
tượng của Y Y có động lực đầu tiên là cái sàng. Nói một cách
khác, nó không phải là một dãy dài quân đô-mi-nô mà là hình
tròn, mặt phẳng, cảm giác “con rồng dài” bị ép chặt, nhiều cái
làm một, chỉ khi một cái nào đó lọt qua lỗ sàng nào đó, con rồng
kia mới lần lượt tuần tự lọt xuống, giống như nước trong thùng,
một khi đáy thùng có lỗ thủng, nước cứ vậy chảy ra ngoài.
Tôi nghe xong vô cùng kích động, giục cô nói tiếp. Y Y nói: “Anh
đúng là người nóng vội, nếu trong tình cảm, anh gấp gáp vội vã
như thế thì tốt biết chừng nào”. Y Y vẫn vậy, nhiều lần bị tôi từ
chối mà vẫn không ngán. Cô đưa ra một yêu cầu, yêu cầu tôi
ngồi gần lại bên cô thì mới có quyền nghe cô nói tiếp. Lại là
chuyện vớ vẩn! Cũng may lúc ấy chúng tôi đã đi sâu vào rừng,
xung quanh không có ai, tôi cũng đã mệt, ngồi xuống cạnh cô
cũng chẳng hề gì. Tôi đoán, chờ tôi ngồi xuống cô mới có thêm
yêu cầu, cho nên trước khi ngồi tôi đưa ra yêu cầu, cô ngồi
xuống rồi thì phải nghe theo lời tôi. Cô đồng ý, chúng tôi ngồi
xuống, cô bắt đầu nói. Cô nói, khóa và chìa khóa phức tạp hóa là
bởi xu thế phát triển của mật mã, nhưng sự phức tạp này bị hạn
chế bởi bản thân thông tin vô tuyến điện, nhất là khoảng cách
quá xa, điểm phát sóng vô tuyến nhiều, nói chung chìa khóa
mật để ngay trong văn bản điện báo.