quanh, trông rất ung dung tự tại. 9 giờ 15 phút, bỗng cậu ta
đứng bật dậy, quay người, nói với một trợ thủ phía sau lưng:
“Đây rồi, các anh nghe thấy không, người này phát tín hiệu tè số
không rất nặng tay, đây là báo vụ viên số ba mươi ba. Không thể
nhầm được, chính là người này”.
Đối phương đang phát tín hiệu.
Ghi lại nội dung bức điện, tuy chỉ kịp ghi vội đoạn cuối, nhưng
nhân viên giải mã cũng đủ đưa ra phán đoán: Đây là điện đài cấp
cao của đối phương.
Nhưng nếu không có nhân viên giải mã chứng minh, không ai
dám tin đấy là điện đài địch mà chúng ta đang cần tìm, vì cái
điện đài phát sóng này rất rất cũ, rất cũ. Bất cứ ai nghe thấy âm
thanh của nó cũng đều khẳng định một cách không do dự, đây
là thiết bị của mấy chục năm trước, thậm chí là của thế kỉ trước.
Thiết bị này đã thải loại từ lâu, có thể nói không một nước nào,
dù là nước nghèo nhất cũng không còn dùng thứ thiết bị thông
tin già nua này nữa. Người nào hoặc tổ chức nào dùng? Những
người thích chơi vô tuyến điện hoặc những hiệp hội tương ứng,
hoặc những người, những tổ chức cá biệt ở một nước nghèo, ví
dụ đội tàu trục vớt trên biển, các công ty ven biển, công ty đánh
cá, kiểm lâm, vườn động vật, dã ngoại, công ty du lịch... Chính
vì vậy, các hiệu thính viên nghe thấy tiếng sóng vô tuyến này
đều bỏ qua, không thèm để ý, nhưng hóa ra nó là thiết bị liên lạc
của chỉ huy cấp cao đối phương. Rõ ràng đây là một mưu mẹo,
để đánh lạc hướng các hiệu thính viên, để họ bỏ đi. Việc này
chẳng khác gì một người cố tình để một vật anh muốn đánh cắp
ngay bên cạnh anh, anh cứ tìm tòi lục lọi, đào sâu ba thước đất
nhưng lại không nhìn bên cạnh, một trò chơi có thể gọi là ranh
ma, điên khùng, mạnh bạo và quái đản.