Vì chỗ đó nên Đức Phật muốn chúng ta học những lời kinh, rồi sau đó từ bỏ
những hành động (nghiệp) xấu ác tạo ra bởi thân, ý, miệng; tu dưỡng tính thiện
lành trong những hành động, ý nghĩ và lời nói của chúng ta. Giá trị thực con
người là đi đến những kết quả thông qua tu tập hành động, lời nói và ý nghĩ. Nếu
chúng ta chỉ nói nhưng hành động khác đi thì điều đó là chưa được. Nếu chỉ hành
động tốt nhưng tâm vẫn chưa thiện lành thì vẫn chưa xong. Phật dạy chúng ta
phải tu dưỡng tính thiện lành trong thân, miệng, ý; tu dưỡng những hành động tốt
lành, những lời nói tốt lành và những ý nghĩ tốt lành. Đó là kho báu của con
người. Việc học và hành phải đều tốt song song.
Con đường Bát Chánh Đạo là con đường tám phần, là con đường để tu tập.
Tám chẳng khác gì hơn là chính cái thân này: hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, một
lưỡi và một thân. Đây chính là đạo. Và tâm chính là cái đi theo con đường đạo.
Do vậy, cả việc học và hành đều nằm ngay bên trong thân, lời nói và tâm ý của
chúng ta.
Các thầy có bao giờ thấy kinh điển có chỗ nào nói về điều gì quan trọng hơn
ngoài thân, ý, miệng hay không? Kinh điển của Phật chỉ dạy về những chỗ này,
không gì khác. Những ô nhiễm sinh ra ngay đây. Nếu chúng ta hiểu biết về
chúng, chúng sẽ diệt ngay đây. Do vậy phải nên hiểu rằng việc học và hành cùng
nằm ngay đây. Nếu tu học theo cách này chúng ta có thể hiểu biết mọi sự. Giống
như về lời nói: nói một lời sự thật thì tốt hơn nói dối cả một đời. Quý thầy có hiểu
chỗ này không? Những người học mà không hành thì giống như cái muỗng nằm
trong nồi canh. (Cách nói của Phật). Nó nằm hoài trong nồi canh nhưng chẳng
nếm được mùi vị của canh. Nếu không lo thực hành tu tập thì dù có học hoài cho
đến chết, thì bạn sẽ chẳng bao giờ biết được mùi vị của sự giải thoát!