60
Vài Lời Cuối
(cho Quyển 3)
Quý vị có biết việc nói nghe như vầy đến khi nào kết thúc? Hay chúng ta
cứ phải học miết như vầy?.. Hay đến lúc nào đó phải ngừng lại?.. Nghe học như
vầy cũng không sao, nhưng đó chỉ là sự học bề ngoài. Còn sự học bên trong là
chúng ta phải học từ mắt này, tai này, mũi này, lưỡi này, thân này và tâm này. Đó
mới là cái học thực sự. Sự học qua sách vở chỉ là học bề ngoài, học hoài cũng
không kết thúc, rất khó để đi đến đâu.
Khi mắt nhìn thấy hình sắc, điều gì xảy ra? Khi tai, mũi và lưỡi trải nghiệm
âm thanh, mùi hương và mùi vị, điều gì xảy ra? Khi thân và tâm tiếp xúc với sự
chạm xúc và những trạng thái của tâm, những phản ứng nào xảy ra? Vẫn còn
tham, sân, si ở đó không? Chúng ta có đang bị lạc theo những hình sắc, âm thanh,
mùi hương, mùi vị, chạm xúc và những trạng thái của tâm hay không? Đó là sự
học bên trong. Học như vậy sẽ có chỗ kết thúc, có chỗ thành tựu.
Nếu chúng ta cứ học suông mà không thực hành thì chúng ta chẳng được kết
quả gì. Cũng giống như người nuôi bò. Buổi sáng lùa bò ra đồng, buổi chiều lùa
bò về chuồng— nhưng ông ta chẳng bao giờ uống sữa bò. Học hỏi là đúng,
nhưng đừng học suông bề ngoài như vậy. Bạn phải nên vừa nuôi bò vừa uống sữa
bò—(vừa học vừa thụ hưởng được lợi lạc từ việc học đó). Bạn phải vừa học vừa
thực hành thì mới có được kết quả tốt nhất.
Tôi muốn giải thích thêm chỗ này. Giống như một người nuôi gà, nhưng ông
ta không thu lấy trứng gà. Chỉ lấy phân gà! Coi lại, đừng để mình đang làm điều
gì như vậy! Điều này có nghĩa là chúng học kinh sách cho nhiều nhưng chẳng
biết cách nào phòng trừ những ô nhiễm, chúng ta chẳng biết cách nào 'tống khứ'
tham, sân, si ra khỏi tâm chúng ta. Học mà không hành, không biết 'từ bỏ', thì
chẳng mang lại kết quả gì. Những người như vậy tôi thường ví như người nuôi gà
mà không thu được trứng mà chỉ thu được phân gà.