Bạn không biết cách nào để tách khỏi những ràng buộc đó, (không tu tập gì
được). Đến khi già, bệnh, rồi chết, thì bạn làm gì được? Đó là lưỡi móc đang đợi
móc chết bạn. Vậy bạn phải làm gì khác đây?
Đây là chỗ khó xử rắc rối của tâm. Bị bao vây bởi con cái, người thân, của
cải, nhà cửa... và hầu hết chúng ta chẳng biết cách nào để buông bỏ những thứ đó.
Không tu tập được giới hạnh và trí tuệ hiểu biết để thoát khỏi mọi thứ thế tục thì
không có lối thoát nào cho chúng ta. (Thoát là thoát khỏi vòng sinh tử bất tận đầy
khổ đau). Khi những thứ tạo tác như cảm giác, nhận thức, ý nghĩ và tâm thức
[thọ, tưởng, hành, thức] tạo ra khổ, ta cứ luôn bị dính theo nó. Tại sao có khổ?
Nếu ta không biết điều tra quán xét thì ta không hiểu biết. Hễ có gì sướng khởi
lên, ta chỉ biết chạy dính theo nó, chỉ biết tham chìm theo nó. Ta chẳng bao giờ tự
hỏi: ''Cái sướng đó đến từ đâu?'', ''Sướng đó đâu còn hoài, nó sẽ hết nhanh, rồi
cũng chuyển thành khổ?''.
Vậy đó, phải đổi cách hiểu biết của mình. Bạn có thể tu tập bất cứ đâu, bởi ở
đâu tâm cũng đi theo mình. Ta ở đâu tâm ở đó, sao lại không tu tập nó được? Khi
nghĩ những ý nghĩ tốt, bạn có thể ý thức biết rõ về chúng; còn khi nghĩ những ý
nghĩ xấu, bạn cũng có thể ý thức rõ biết về chúng. Những thứ đó có mặt nơi bạn.
Khi đang nằm, khi nghĩ những ý nghĩ tốt hay xấu, bạn có thể biết rõ về chúng,
bởi chỗ tu tập là chính ngay trong tâm này. Nhiều người cứ nghĩ tu là phải ở chùa
hàng ngày. Điều đó không cần thiết, cứ nhìn vào tâm này của bạn. Nếu bạn biết
chỗ tu tập là ngay tâm này thì bạn chắc chắn có kết quả.
Đức Phật dạy chúng ta phải nhìn vào mình, quan sát bản thân mình, không
nên chạy theo những điều dị đoan và mê tín. Vì lẽ đó Phật đã nói mấy câu kinh
với đại ý như vầy:
Sīlena sugatim yanti
Giới Hạnh dẫn đến sự an lạc
Sīlena bhogasampadā
Giới Hạnh dẫn đến sự giàu có
Sīlena nibbutim yanti
Giới Hạnh dẫn đến Niết-bàn