LỊCH SỬ BÍ MẬT ĐẾ CHẾ HOA KỲ - Trang 48

thỏa mãn nỗi thèm khát của các tập đoàn đa quốc gia. Chúng tôi, những sát
thủ kinh tế, đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đặt ra.

Một lần nữa, những tiêu chuẩn so sánh kinh tế quốc gia lại để lộ tính dối trá
của mình. Ở Indonesia, sự tăng lên của ngoại tệ, thuận lợi trong cán cân
thương mại, tỷ lệ lạm phát thấp và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội đầy
ấn tượng được dùng để chỉ tình trạng của một nhóm người rất nhỏ, tầng lớp
dân số giàu có của đất nước này. Với tất cả những người dân sống ngoài
dòng chảy kinh tế trên, họ sẽ phải mang trên vai một gánh nặng vô cùng to
lớn.

Có thể sẽ chẳng có nơi nào trên thế giới, sự nghèo đói, lạm dụng lẫn nhau
của các tập đoàn và những người tiêu dùng Mỹ lại có mối liên hệ rõ ràng
hơn ở những xí nghiệp của người Indonesia (những xí nghiệp mang đặc
trưng này rõ ràng hơn bất cứ xí nghiệp nào ở các quốc gia khác). Các tập
đoàn quốc tế lớn, nhận được sự hậu thuẫn từ các chính sách khuyến khích
quá trình tư nhân hóa và cắt giảm thuế cho các công ty nước ngoài của
Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, hoặc tự làm chủ các nhà máy
hoặc cho các công ty khác đấu thầu quản lý. Tại đây, công nhân không
được trả lương thỏa đáng và nếu họ đứng lên phản kháng, họ sẽ bị đánh
đập, thậm chí bị giết chết. Họ phải chịu đựng một cuộc sống tồi tệ để rồi
hàng hóa mà họ làm ra lại được bán với giá vô cùng rẻ mạt tại các nước
phát triển.

Khi tôi đi vòng quanh nước Mỹ để quảng bá cho cuốn sách Lời thú tội của
một sát thủ kinh tế, nhiều người đã tìm gặp và nói với tôi rằng những công
ty như Nike, Adidas, Ralph Lauren, Wal-Mart hay The Gap đang kiếm lời
từ những công nhân ngày đêm làm việc vất vả như nô lệ. Một đôi vợ chồng
dũng cảm đã cung cấp cho tôi những bằng chứng đặc biệt dựa trên những
điều gây sốc mà họ được chứng kiến ở Indonesia.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.