kinh lý (trường tiền) đến đo đạc theo luật định, để xin bằng khoán chính
thức. Viên trường tiền tên là Arboratie đến đo đạc, làm phúc trình và chủ
tỉnh Bạc Liêu trao cho ông hương chánh Luông bản đồ phần đất nói trên.
Năm 1916, một người tên là Tăng Văn Đ. đứng ra tranh cản, viện lý do
phần đất mà hương chánh Luông và gia đình đang canh tác là công lao của
y một phần nào. Tăng Văn Đ. được chủ tỉnh đòi đến xử và thất kiện. Tuy
nhiên, viên chủ tỉnh lại cho Tăng Văn Đ. một sở đất nhỏ, cắt ra từ phần đất
của ông chánh Luông.
Phần đất của ông chánh Luông gồm 72,95 mẫu, bị cắt cho Đ. bốn mẫu rưỡi
tức là chỉ còn lại 68,45 mẫu mà thôi. Để giải quyết vụ này, viên chủ tỉnh
nói trên cấp cho hương chánh Luông một tờ bằng khoán tạm, số 303 đề
ngày 7/8/1916.
Ông hương chánh Luông mất. Biện Toại là con trai lớn của gia đình và các
em đành nhường nhịn và chấp nhận, mặc dầu đất của tổ phụ để lại mất hết
4 mẫu rưỡi. Nên nhớ rằng bằng khoán cấp cho Biện Toại là bằng khoán
tạm.
Tưởng rằng công việc canh tác được yên ổn, dè đâu năm 1917 xảy ra một
biến cố khác : sự can thiệp của một người Huê kiều giàu khét tiếng trong
tỉnh : ông bang Tắc, tên thật là Mã Ngân. Ông bang này muốn khẩn đất
bằng con đường quanh co nhưn hữu hiệu, ông ta rành luật lệ và biết rõ
những sơ hở.
Số là giáp ranh với phần đất của gia đình hương chánh Luông do Biện Toại
là con trai đứng thay mặt, có phần khác do Phan Văn Được làm chủ. Sau
khi chết, đất của Phan Văn Được để lại cho vợ hưởng, người vợ này tên
Nguyễn Thị Dương. Ông bang Tắc (Mã Ngân) chú ý nhiều vào phần đất
của Nguyễn Thị Dương, đến gặp bà này mà trả giá và tìm đến hương chức
làng Phong Thạnh để xem xét lại kỹ.
Hương chức làng Phong Thạnh tiết lộ rằng phần đất của anh em Biện Toại,
giáp ranh với phần đất của Nguyễn Thị Dương đã khai thác xong nhưng
chưa có bằng khoán chính thức.
Là người rành luật lệ, ông bang làm giấy tờ mua đất, cho thêm bà Dương
chút ít tiền để trong tờ bán đất ghi rằng “bán phần đất với ranh giới bao