gậy, thoi, đá và vôi bột. Cuối tháng 10-1959, Tỉnh trưởng Bạch Văn Bốn đã
đưa cả 120 gian Chuồng Cọp ở 2 khu vào sử dụng, một kỉ lục mà bọn chúa
ngục thời Pháp chưa bao giờ đạt tới.
Sáng sớm, chuồng cọp mở cửa, tù nhân ra đổ cầu đã bị đánh, bữa trưa ra
lấy cơm lại đánh, chiều lấy cơm đánh nữa. Buổi tối địch gọi từng người ra
đánh, hoặc bất chợt mở cửa một chuồng nào đó xông vào đánh. Bọn công
an, trật tự xoi mói theo dõi từng cử chỉ của tù nhân. Thấy ai nhìn lên chúng
lôi ra đánh. Người đứng hoặc ngồi, buồn hoặc vui đều bị đánh. Bất chợt
chúng hỏi ngày, hỏi thứ. Ai nói trúng là bị đánh về tội “ở tù tính ngày để
làm lễ, đấu tranh”, trả lời sai cũng bị đánh về tội “ở tù ngồi không mà ngày
tháng cũng không nhớ”. Chuồng cọp Côn Đảo chính là nơi phơi bày những
tội ác man rợ, thú vật, chà đạp nhân quyền con người của ngụy quyền Sài
Gòn nhân danh tự do dân chủ dưới sự bảo trợ của đế quốc Mỹ.
Phẫn nộ trước hành động khủng bố tàn bạo của kẻ thù, nhiều tù nhân đã
trực diện phản đối bằng nhiều hình thức, kể cả việc vũ trang chống lại. Có
lần, anh Trần Văn Huy (Trần Nga) ở Nha Trang đã đánh trả quyết liệt làm
bọn trật tự phải dạt ra. Anh chụp được tên Lê Văn Yên, một trật tự gian ác,
ấn đầu nó xuống rãnh nước. Bọn trật tự xúm lại đánh anh ngất lịm. Sau này
tù nhân Côn Đảo còn nhiều lần đánh trả bọn khủng bố và trừng trị những
tên gian ác.