(khiển Tùy sứ). Các người như Sôbin (Tăng Mân) khi từ Trung Quốc trở
về (năm 632) đã trực tiếp du nhập văn hóa Phật giáo từ đại lục.
Thời đại này có tên là Asuka vì triều đình đóng đô ở Asuka, một
vùng trong thung lũng Nara, suốt trên một trăm năm.Tuy nhiên, không
có bằng chứng nào cho biết lúc đó Thiền đã vào đất Nhật. Bấy giờ,
bên Trung Quốc nhằm buổi giao thời từ nhà Tùy (589-618) sang nhà
Đường (618-907), nếu nhìn vào hệ phổ Thiền Tông thì đúng vào đời
của Tam tổ Tăng Xán nghĩa là giai đoạn mà hoạt động của các thiền
tăng được chép lại mù mờ nhất.
Tiếp đến, hai nhân vật khác là Nakatomi no Katamari (614-669)
và hoàng tử Nakanoôe (sẽ là Thiên hoàng Tenji, Thiên Trí, thứ 38, trị
vì 668-671) lại đứng lên đánh đuổi họ Soga (sử xem họ Soga có gốc
gác Triều Tiên) và làm lên cuộc cải cách năm Taika (Taika no
kakushin, 645). Thế rồi, sau cuộc biến loạn năm Nhâm Thân (Jinshin
no ran, 672-673) lại đến đời Thiên hoàng Tenmu (Thiên Vũ, thứ 40, trị
vì 673-686) và đời bà vợ góa của ông là nữ Thiên hoàng Jitô (Trì
Thống, thứ 41,trị vì 690-697). Họ mô phỏng Trung Quốc, thiết lập một
chính quyền trung ương dựa trên luật pháp và luật hành chánh (gọi là
nhà nước luật-lệnh, ritsuryô kokka taisei), Phật giáo cũng phải đóng
khung trong khuôn khổ pháp chế ấy. Phật giáo lẫn Thần đạo đều là bộ
phận của một nguyên lý chung nhằm mục đích ủng hộ chính quyền.
Sự có mặt của hai tôn giáo này được đánh giá cao, thế nhưng cùng lúc,
họ phải tự đặt mình dưới sự chi phối của nhà nước.
Có thể nói Thiền vào đất Nhật là dưới thời Hakuhô (cuối thế kỷ
thứ 7, đầu thế kỷ thứ 8, thời đại bắt đầu với hai thiên hoàng nói trên),
lúc Nhật Bản tiếp nhận văn hóa xán lạn và thanh tân của thời Sơ
Đường. Tăng Dôshô (Đạo Chiêu, 629-700, trở lại Nhật năm 660) đã
mang nó theo. Cuốn lịch sử Thiền nhan đề Genkô Shakusho
thiền sư Kokan Shiren (Hổ Quan Sư Luyện, 1278-1346) viết năm
1322 cho biết Dôshô đã theo học Pháp Tướng Tông với Huyền Trang
Tam Tạng ( 602-664) cũng như học Thiền với Huệ Mãn (năm sinh