Mưu sĩ Trần Bình cũng đi theo Hán Cao Tổ liền phái người mang
vàng bạc, châu báu đến gặp yên chi (tức vương hậu) của Mạo Đồn, đề nghị
bà ta nói giúp với thiền vu. Thấy nhiều vàng bạc châu báu như vậy, yên chi
của Mạo Đồn rất phấn khởi, liền nói với chồng: "Chúng ta chiếm đất đai
của người Hán nhưng cũng không thể ở lâu được, vả lại thế nào rồi hoàng
đế Hán cũng có đại quân tới cứu, chi bằng ta rút quân sớm thì hơn".
Mạo Đồn nghe theo, sớm hôm sau, hạ lệnh cho quân Hung Nô mở ra
một lối cho quân Hán rút. Nhân lúc sương mù, Hán Cao Tổ dẫn quân lặng
lẽ rời khỏi núi Bạch Đăng. Trần Bình còn hạ lệnh cho quân lính sẵn sàng
giương cung hướng ra hai bên, bảo vệ cho Hán Cao Tổ xuống núi. Hán Cao
Tổ nơm nớp lo sợ. Vừa ra thoát vòng vây, liền ra roi chạy thẳng về Quảng
Vũ. Sau khi định thần, ông ra lệnh tha Lưu Kính ra, nói: "Ta không nghe
theo lời ngươi nên bị Hung Nô vây ở Bạch Đăng Sơn, suýt nữa thì không
còn gặp lại ngươi nữa".
Sau khi thoát khỏi miệng cọp, Hán Cao Tổ biết không đủ lực lượng để
đánh Hung Nô, liền trở về Trường An. Sau đó, Hung Nô liên tục xâm phạm
phía bắc khiến Hán Cao Tổ ngày đêm lo lắng. Ông hỏi Lưu Kính nên làm
thế nào. Lưu Kính nói: "Tốt nhất là nên áp dụng chính sách hòa thân, (tức
hai bên giảng hòa), đem con gái gả cho thiền vu, kết làm thân thích, cùng
sống hòa bình với nhau".
Hán Cao Tổ nghe theo, phái Lưu Kính sang Hung Nô giảng hòa. Mạo
Đồn đồng ý. Hán Cao Tổ chọn một cô gái do cung nữ sinh ra, xưng là đại
công chúa, mang gả cho Mạo Đồn. Mạo Đồn lập nàng làm yên chi. Từ đó,
triều Hán áp dụng chính sách hòa thân, tạm thời hòa hoãn quan hệ với
Hung Nô.