Sử Bật, quở trách ông tại sao không báo danh sách lên. Sử Bật nói: "Ở đây
không có đảng nhân, tôi lấy gì để báo?".
Viên quan đó nghiêm mặt nói: "Thanh Châu có 6 quận, 5 quận kia đều
có đảng nhân, tại sao quận Bình Nguyên lại không có?".
Sử Bật trả lời: "Thủy thổ phong tục mỗi nơi một khác. Các nơi khác
có đảng nhân, tại sao Bình Nguyên cũng nhất định phải có?". Viên quan đó
nín lặng, không biết nói thế nào.
Sử Bật lại nói: "Nếu ngài cứ nhất định bắt oan người tốt, thì nhà nào ở
Bình Nguyên cũng có đảng nhân. Tôi thà chết, chứ bắt tôi báo đảng nhân
thì tôi không thể nói ra người nào cả".
Viên quan đó không biết làm thế nào, liền ghi bừa tên một số quan
chức ở Bình Nguyên để báo lên triều đình. Những đảng nhân bị giam trong
ngục bị bọn hoạn quan sai người tra tấn tàn bạo. Họ phải đeo gông, xiềng ở
cả đầu và tay chân, gọi là "tam mộc", và bịt mắt tra hỏi từng người. Cứ như
vậy trong hơn một năm. Năm sau có một người ở Dĩnh Xuyên tên là Giả
Bưu dũng cảm tự mình tới Lạc Dương kêu oan cho các nạn nhân. Đậu Vũ,
cha của Đậu hoàng hậu cũng dâng thư lên Hán Hoàn Đế tha cho các đảng
nhân. Ở trong ngục, Lý Ưng dùng biện pháp lấy tiến công để bảo vệ, ông
cố ý đưa ra tên rất nhiều con em hoạn quan, nói chúng cũng là đảng nhân.
Bọn hoạn quan lúc đó mới hoảng sợ, liền tâu với Hán Hoàn Đế: "Hiện nay
thời tiết không bình thường, xin bệ hạ xuống lệnh đại xá cho thiên hạ".
Hán Hoàn Đế xưa nay vốn nghe theo bọn hoạn quan mọi điều, liền
tuyên bố đại xá, tha hết hơn 200 người bị quy là đảng nhân. Những người
này tuy được tha nhưng bọn hoạn quan không cho phép họ lưu tại kinh
thành mà bắt tất cả trở về quê hương, đồng thời thông báo tên tuổi họ về địa
phương, phạt họ suốt đời không được làm quan. Lịch sử gọi sự kiện này là
"đảng cố" (giam giữ những phần tử kết bè đảng).