Triệu Xước quì dưới đất, vươn thẳng lưng lên nói: "Thần một lòng bảo
vệ pháp luật, không ngại gì cái chết".
Tùy Văn Đế vốn không có ý định giết Triệu Xước, suy nghĩ 1 hồi lâu,
cơn giận nguôi đi. Ông thấy Triệu Xước ra sức bảo vệ pháp luật, xét cho
cùng là có lợi có việc cai trị của mình, liền hạ lệnh tha Triệu Xước. Hôm
sau, còn cử người tới an ủi Triệu Xước. Trong tòa Đại lý, có 1 viên quan
tên là Lai Khoáng, nghe nói Tùy Văn Đế nhiều lần không hài lòng với
Triệu Xước, liền phụ họa với Tùy Văn Đế, dâng sớ tấu nói rằng tòa Đại lý
chấp hành pháp luật không nghiêm. Tùy Văn Đế xem sớ tấu, cho rằng Lai
Khoáng nói đúng, liền thăng quan cho y. Lai Khoáng cho rằng mình đã
được hoàng đế tin dùng, lại dâng sớ vu cáo Triệu Xước vì tư tình mà làm
điều sai trái, đã miễn tội cho kẻ phạm pháp. Tùy Văn Đế tuy có không ưa
Triệu Xước hay trái ý mình, nhưng cũng không hoàn toàn tin vào lời tâu
của Lai Khoáng. Ông cử người thân tín đi điều tra thì thấy không hề có
chuyện đó. Tùy Văn Đế nổi giận, lập tức hạ lệnh xử tử Lai Khoáng và giao
cho tòa Đại lý chấp hành. Trao việc này cho tòa Đại lý, ông nghĩ rằng Triệu
Xước là người bị vu cáo, tất nhiên sẽ nhanh chóng thi hành. Ngờ đâu, Triệu
Xước lại tâu lên: "Lai Khoáng tuy có tội, nhưng chưa đến mức phải xử tử".
Tùy Văn Đế bực mình, phất tay áo, bỏ đi vào nội cung. Triệu Xước ở
đằng sau, kêu to lên: "Thần không nói về chuyện Lai Khoáng nữa. Nhưng
thần có việc rất quan trọng, muốn được trực tiếp tâu lên bệ hạ".
Tùy Văn Đế tưởng là thực, liền cho gọi Triệu Xước vào nội cung. Tùy
Văn Đế hỏi Triệu Xước xem có chuyện gì quan trọng. Triệu Xước tâu:
"Thần có ba tội lớn, xin bệ hạ trừng phạt. Một là, bản thân thần là Đại lý
thiếu khanh mà không quản lý được các quan chức dưới quyền, để cho Lai
Khoáng vi phạm pháp luật. Hai là, tội Lai Khoáng không đáng xử tử, thần
không đủ khả năng biện luận cho hết lý lẽ. Ba là, thần xin vào cung, vốn
không có việc gì, chỉ vì nôn nóng vội vã nên đã đánh lừa bệ hạ là có việc
quan trọng".