đế và hoàng hậu, cung phi, thị vệ, đặt tên là "Quan phong hành điện". Loại
"hành điện" này khi sử dụng đến thì lắp lại, lúc thường có thể tháo ra để
vận chuyển theo. Khi lắp, toàn bộ hành điện có thể di động nhờ những bánh
xe đặt bên dưới, bên trong có thể chứa mấy trăm người. Vào thời bấy giờ,
loại cung điện di động này có thể kể là 1 phát minh. Nhưng đáng tiếc, nó
chỉ nhằm phục vụ riêng cho Tùy Dạng Đế mà thôi.
Việc xây dựng Đông Đô, đào vận hà, đắp Trường Thành, cộng thêm
những cuộc tuần du liên miên hết năm này đến năm khác, khiến cho nhân
dân phải lao dịch và đóng góp sưu thuế nặng nề tới mức không sao chịu
đựng nổi. Trước tình hình đó, sự kiêu sa, dâm dật của Tùy Dạng Đế lại
càng ngày càng tăng thêm. Để phô trương sức mạnh và khoe khoang vũ
công, năm 611, Tùy Dạng Đế phát động cuộc chiến tranh xâm lược Cao Ly
(nay là bán đảo Triều Tiên). Năm đó, ông xuất phát từ Giang Đô, cưỡi
thuyền rồng theo vận hà đi lên Trác Quận, đích thân chỉ huy cuộc chiến.
Ông hạ lệnh cho quân đội trong cả nước không kể xa gần, đều phải tập
trung về Trác Quận. Ngoài ra, còn hạ lệnh bắt thợ thuyền về cửa biển Đông
Lai (nay thuộc huyện Dịch, Sơn Đông) chế tạo gấp 300 thuyền chiến lớn.
Các dân phu làm thuyền có quan lại đôn đốc nghiêm ngặt, thay nhau làm
việc suốt ngày đêm, ngày nào cũng phải ngâm nửa mình dưới nước biển,
nên từ lưng trở xuống đều bị bợt da, thối thịt. Rất nhiều người không chịu
đựng nổi, đã gục chết trong nước biển.
Đồng thời, Tùy Dạng Đế còn hạ lệnh cho các vùng Hà Nam, Hoài
Nam, Giang Nam chế tạo 5 vạn cỗ xe lớn, đưa đến Cao Dương vận chuyển
khôi giáp, màn trướng cho binh lính. Một mặt, lệnh cho miền Giang Nam,
Hoài Nam huy động dân phu và thuyền bè chở lương thực từ kho Lê
Dương (nay ở đông nam huyện Tuấn, Hà Nam) và kho Lạc Khẩu lên Trác
Quận. Thế là, thuyền bè xe cộ khắp nước, không kể ngày đêm từ các hướng
nườm nượp đi lên Trác Quận. Mấy chục vạn dân phu quá mỏi mệt, nhiều
người chết gục trên đường, suốt dải đường dài đầy xác chết. Dân phu vì thế
bị thiếu, trâu bò cày liền được điều đi thồ thay người, làm cho đồng ruộng