nên đã nhanh chóng hình thành thế bao vây với Đông Đô. Lý Thế Dân
không những giỏi đánh trận mà còn khéo dùng người. Ông thu nạp được 1
số hàng tướng từ hàng ngũ quân Ngõa Cương và các thế lực cát cứ khác.
Trong số này, có những người đã trở thành trợ thủ đắc lực của ông, như Tần
Thúc Bảo, Trình Giảo Kim, Uất Trì Cung tức Uất Trì Kính Đức. Một lần,
Lý Thế Dân đang dẫn 500 kỵ binh tuần tra trên trận địa thì bị Vương Thế
Sung phát hiện và đem 1 vạn kỵ binh ra vây chặt. Đại tướng của Vương
Thế Sung là Đan Hùng Tín xông tới sát Lý Thế Dân, phóng trường mâu
đâm sang. Ngay lúc đó, Uất Trì Kính Đức phi ngựa tới, hét 1 tiếng lớn, đâm
Đan Hùng Tín ngã nhào xuống ngựa, rồi bảo vệ Lý Thế Dân vượt khỏi
vòng vây. Sau đó, 2 người lại dẫn kỵ binh quay lại xông xáo chém giết
hàng ngũ quân Trịnh, khiến quân Trịnh hoảng sợ không chống đỡ được.
Ngay sau đó, quân Đường kéo ra nườm nượp, đánh cho quân Trịnh thảm
bại.
Từ mùa xuân năm đó đến mùa xuân năm sau, quân Đường ngày càng
vây chặt Đông Đô, liên tiếp đánh suốt ngày đêm. Vương Thế Sung tổ chức
phòng thủ nghiêm mật, không ngừng dùng máy bắn đá và nỏ bắn lại quân
Đường. Chiến đấu kéo dài, tướng sĩ Đường cũng cảm thấy mệt mỏi, có
người đề nghị Lý Thế Dân cho ngừng tiến công và lui quân về Trường An
nghỉ ngơi, chỉnh đốn lại rồi sẽ tiến đánh sau. Lý Thế Dân nói: "Hiện nay
các châu xung quanh đều đầu hàng, Lạc Dương trở nên một tòa thành cô
lập, sắp sửa bị hạ, sao có thể nửa chừng bỏ dỡ được?". Rồi hạ lệnh cho toàn
thể tướng sĩ: "Chưa hạ được Đông Đô, quyết không lui quân".
Vương Thế Sung không còn cách nào khác, phải cử người trốn khỏi
vòng vây, lên Hà Bắc xin Đậu Kiến Đức mang quân về cứu viện. Quân
khởi nghĩa do Đậu Kiến Đức lãnh đạo là 1 lực lượng rất lớn mạnh ở vùng
Hà Bắc. Đậu Kiến Đức cũng tự xưng là hoàng đế, quốc hiệu là Hạ, đã đánh
chiếm rất nhiều đất đai của Đường. Nhận được thư xin cứu viện của Vương
Thế Sung, Đậu Kiến Đức 1 mặt đem 30 vạn người ngựa đi theo 2 đường
thủy bộ về cứu Đông Đô, 1 mặt gửi thư cho Lý Thế Dân, yêu cầu quân