nhà, cũng không ai dám vào. Trong Nhạc gia quân có 1 khẩu hiệu: "Chết
rét cũng không dỡ nhà dân, chết đói cũng không cướp bóc".
Đối với tướng sĩ, Nhạc Phi vừa yêu cầu rất nghiêm, vừa quan tâm săn
sóc. Binh lính nào ốm, ông đến tự tay chăm sóc thuốc thang. Khi cấp dưới
ra trận, ông bảo vợ đến chăm nom gia đình họ. Tướng sĩ nào hy sinh trên
chiến trường, vợ con đều được nuôi dưỡng. Khi được cấp trên ban thưởng
tiền bạc, ông đều đem chia hết cho tướng sĩ, không giữ lại chút gì cho gia
đình. Được rèn luyện và chăm sóc như vậy nên Nhạc gia quân tinh thần
hăng hái, chiến đấu dũng mãnh. Trước khi tác chiến, bao giờ Nhạc Phi
cũng triệu tập tướng lĩnh, cùng bàn bạc phương án chiến đấu rồi mới xuất
phát. Vì vậy, trong chiến đấu, không trận nào không thắng, chưa hề bị thất
bại. Tướng sĩ Kim hễ thấy Nhạc gia quân là đều run sợ. Trong quân Kim
lưu truyền 1 câu nói: "Núi lớn dễ lay, Nhạc gia quân khó chuyển".
Nam Tống có được những danh tướng như Nhạc Phi, Hàn Thế Trung,
lại thêm sự phối hợp của các đội nghĩa quân do dân chúng tổ chức nên, vốn
có đủ điều kiện để đánh lui quân Kim. Nhưng Tống Cao Tông bất chấp sự
phản đối của các tướng lĩnh, một mực cầu hòa nhục nhã với Kim. Năm
1139, còn hèn hạ tới mức xưng thần với Kim và phải tiến cống hằng năm
25 vạn lạng bạc và 25 vạn tấm lụa. Bù lại, triều Kim trả lại vùng đất Thiểm
Tây, Hà Nam cho Nam Tống. Tháng 10 năm 1140, triều Kim lại xé bỏ hòa
ước, điều động quân tinh nhuệ trong toàn quốc, cử Ngột Truật làm tướng
soái, chia quân làm 4 đường tiến đánh Nam Tống. Không tới 1 tháng, vùng
đất được trao trả lại bị quân Kim chiếm. Vương triều Nam Tống đứng trước
nguy cơ bị tiêu diệt. Tống Cao Tông bất đắc dĩ phải hạ chiếu, kêu gọi quân
các lộ cùng chống lại. Nhận được mệnh lệnh, Nhạc Phi 1 mặt cử các bộ
tướng Vương Quí, Ngưu Cao, Dương Tái Hưng chia đường xuất quân, 1
mặt cử người lên liên lạc với thủ lĩnh nghĩa quân ở Hà Bắc là Lương Hưng,
yêu cầu Lương Hưng lãnh đạo nghĩa quân quấy rối hậu phương địch ở Hà
Đông, Hà Bắc. Nhạc Phi đóng quân ở Yển Thành để chỉ huy chung.