Đường Văn Tông lại hạ lệnh cho Cừu Sĩ Lương dẫn hoạn quan đi
xem. Cừu Sĩ Lương gọi Hàn Ước cùng đi. Đến cửa vườn, Hàn Ước quá hồi
hộp, mặt mũi xanh xám. Cừu Sĩ Lương phát hiện thấy, lấy làm lạ, hỏi: "Hàn
tướng quân, ngài làm sao thế?".
Vừa hỏi xong, thì 1 cơn gió thổi, làm lật tung tấm rèm vải che dọc lối
vào vườn. Cừu Sĩ Lương thấy bên trong mai phục rất nhiều quân lính cầm
gươm giáo sáng quắc. Cừu Sĩ Lương giật mình, vội chạy trở về với Đường
Văn Tông. Lý Huấn thấy hắn bỏ chạy, liền hô quân lính đuổi theo. Nhưng
Cừu Sĩ Lương nhanh hơn, đã cùng lũ hoạn quan cướp lấy Đường Văn
Tông, đưa lên kiệu chạy vào nội cung. Lý Huấn đuổi kịp kiệu, giữ chặt
không chịu buông, 1 tên hoạn quan liền xông tới, đánh Lý Huấn ngã quay
ra đất. Đường Văn Tông bị lũ hoạn quan nhốt chặt trong nội cung. Kế
hoạch thất bại, Lý Huấn vội mượn áo 1 tên tiểu lại, hóa trang trốn chạy.
Cừu Sĩ Lương lập tức phái quân, tiến hành cuộc truy bắt đại qui mô với
những người tham dự mưu mô và giết hại toàn bộ. Lý Huấn tìm mọi cách
trốn tránh nhưng không thoát, bị giết trên đường. Kế hoạch diệt trừ hoạn
quan do hoàng đế, tể tướng và ngự sử đại phu Trịnh Chú khổ công vạch ra,
do thực hiện sơ xuất nên đã thất bại thảm hại. Số người có liên quan bị
hoạn quan giết hại lên tới 1000. Lịch sử gọi sự kiện này là "Cam lộ chi
biến" (sự biến sương ngọt).
Sau sự biến này, Đường Văn Tông hoàn toàn đặt dưới sự giám sát của
các hoạn quan. Ông vua tù nhân này còn sống lay lắt được 5 năm nữa rồi
chết trong bệnh tật, đau buồn và uất ức. Cừu Sĩ Lương lập người anh em
của Văn Tông là Lý Viên lên làm vua (năm 841). Đó là Đường Vũ Tông.