sẽ trông chờ, dựa dẫm lẫn nhau. Nếu toán nào xông lên trước, ta giết một
vài tên cầm đầu, là tất cả bọn chúng phải rút chạy thôi!".
Quân của 9 bộ lạc tới Cổ Lặc Sơn, quân Kiến Châu đã bố trí nghiêm
chỉnh trên núi sẵn sàng đối phó. Trước hết, Nỗ Nhĩ Cáp Xích cho hơn 100
kỵ binh ra khiêu chiến. Một thủ lĩnh bộ lạc Diệp Hách xông tới, bị cọc gỗ
làm ngựa ngã lăn quay, quân Kiến Châu xông lên chém giết hắn tại trận, 1
thủ lĩnh khác thấy vậy sợ quá ngất xỉu. Liên quân 5 bộ lạc vì vậy mất chỉ
huy tan tác trốn chạy. Nỗ Nhĩ Cáp Xích thừa thắng cho truy kích, đánh tan
quân Diệp Hách. Mấy năm sau, về cơ bản, ông đã thống nhất được toàn thể
các bộ lạc Nữ Chân. Trong quá trình thống nhất tộc Nữ Chân, Nỗ Nhĩ Cáp
Xích phân Nữ Chân thành 8 "kỳ". Kỳ vừa là đơn vị hành chính, vừa là tổ
chức quân sự. Dưới mỗi kỳ có nhiều "ngưu lục". Mỗi ngưu lục gồm 300
người, thời bình làm ruộng, săn bắn,thời chiến thì đánh trận. Cách tổ chức
như vậy vừa thúc đẩy sản xuất, vừa tăng cường lực lượng chiến đấu. Để
làm cho triều Minh tê liệt cảnh giác, Nỗ Nhĩ Cáp Xích vẫn triều cống xưng
thần. Triều Minh thấy thái độ Nỗ Nhĩ Cáp Xích cung kính phục tùng, liền
phong ông làm Long Hổ tướng quân. Ông còn nhiều lần tới Bắc Kinh, tận
mắt quan sát mọi tình hình triều Minh. Năm 1616, thấy thời cơ đã chín, liền
lên ngôi hãn ở Hách Đồ A Lạp (nay ở gần Tân Tân, Liêu Ninh) với sự nhiệt
tình ủng hộ của quý tộc cả 8 kỳ, lấy quốc hiệu là Đại Kim. Để phân biệt với
triều Kim trước kia, lịch sử gọi triều đại này là Hậu Kim.