nhà"
10
. Bất chấp lời can ngăn của triều thần, Hồ Quý Ly vẫn tỏ quyết tâm
thực hiện ý định của mình. Có thể do mấy nguyên nhân chủ yếu sau:
Một là, Hồ Quý Ly muốn rời xa Thăng Long bởi vào cuối thời Trần,
đầu thời Hồ là thời buổi loạn lạc. Cái loạn thể hiện ở sự bất lực, rệu rã của
bộ máy nhà nước quý tộc Trần, ở mâu thuẫn giữa thế lực Hồ Quý Ly với
vương hầu quý tộc. Là nhân vật chủ chốt trong bộ máy nhà nước quân chủ,
Hồ Quý Ly không thể không nhận thấy thực trạng của thời loạn, vì vậy ông
phải tìm nơi đất hiểm để đóng đô, bảo vệ vương quyền của ông.
Hai là, theo Hồ Quý Ly, Thăng Long từng là nơi gắn bó với vương
hầu quý tộc nhà Trần gần hai thế kỷ. Tầng lớp này đang là đối thủ một mất
một còn với ông. Theo nhãn quan của mình, Hồ Quý Ly nhận thức rõ các
thế lực quý tộc Trần sẽ kiên quyết chống lại và tìm mọi cách loại trừ ông.
Do vậy, việc dời đô tuy là ý muốn chủ quan của Hồ Quý Ly, nhưng không
hoàn toàn phiêu lưu, mà nó dựa trên cơ sở thời, thế được Hồ Quý Ly cân
nhắc, tính toán cẩn thận.
Ba là, Thanh Hóa đất rộng, người đông, từng là vị trí chiến lược
quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai
(1285). Ở Thanh Hóa, ảnh hưởng của quý tộc Trần không mạnh. Dời kinh
đô về đất Thanh Hóa, hẳn Hồ Quý Ly hy vọng dựa vào vị thế của vùng đất
vốn là quê hương bản bộ của mình, để dễ dàng đoạn tuyệt với vương triều
Trần, vững tâm xây dựng vương triều mới.
Bốn là, An Tôn có địa thế hiểm trở lại ở xa biên giới phía Bắc. Hồ
Quý Ly biết trước âm mưu xâm lược của nhà Minh và muốn chuyển kinh
đô về Thanh Hóa với mục đích chủ yếu phòng bị chống giặc xâm lăng từ
phía Bắc trước mắt cũng như lâu dài.
Như vậy, ý đồ phòng thủ trong tư tưởng của Hồ Quý Ly thể hiện rất
rõ trong việc thiên đô. Kinh đô mới thuộc huyện Vĩnh Ninh, phủ Thanh
Hóa (nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Vùng đất này được sông Mã
bao quanh mặt tây, phía đông có sông Bưởi chảy về hợp lưu với sông Mã ở
phía nam. Động An Tôn lọt vào giữa hai con sông và hàng loạt núi: phía