lược của nhiều kẻ thù, như giặc Xích Quỷ, giặc Triệu... Truyền thuyết thôn
Hà Phương (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) còn nhắc đến việc nước Âu Lạc của An
Dương Vương đánh bại giặc Xích Quỷ ở khu vực này
11
. Điều đó khiến cho
cư dân Âu Lạc sớm ý thức được yêu cầu phải giữ nước, bảo vệ lãnh thổ và
cuộc sống của mình. Việc xây dựng lực lượng quân sự, tăng cường khả
năng phòng thủ đất nước được chú trọng hơn các mặt khác. Bởi vậy, tuy chỉ
tồn tại khoảng 30 năm, nhưng nước Âu Lạc vẫn tiếp tục phát triển về các
mặt trên cơ sở kế thừa những thành tựu đã đạt được thời Văn Lang, nhất là
trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng.
Theo sử sách, lực lượng quân sự của nước Âu Lạc lúc bấy giờ khá
hùng mạnh. Quân đội thường trực được tăng cường về số lượng, được
luyện tập chiến đấu lâu hơn, kỹ hơn. Sách Việt sử lược cho biết, quân đội
thường trực của An Dương Vương có đến hơn một vạn lính, gồm hai lực
lượng chính là quân thủy và quân bộ, lại có thêm "thần nỗ binh" - tức là
binh nỏ thần. Truyền thuyết Cổ Loa kể nhiều về hoạt động luyện quân, tập
đánh thủy, đánh bộ, luyện bắn cung nỏ... của quân đội Âu Lạc, hoặc An
Dương Vương thường cưỡi thuyền duyệt thủy quân. Chỉ huy quân đội bấy
giờ là những vị tướng giỏi thao lược như Cao Lỗ, Nồi Hầu... Ngoài ra,
nước Âu Lạc còn có lực lượng dân binh của các làng chạ ở khắp nơi, đồng
bằng và rừng núi, ven sông và ven biển. Truyền thuyết Cổ Loa cũng cho
biết sự có mặt của các đội dân binh do ông Đống, ông Vực chỉ huy trong
nhiều trận chiến đấu chống quân xâm lược Triệu.
Quân đội Âu Lạc được trang bị khá tốt. Vũ khí ở giai đoạn này
không chỉ tăng về số lượng mà còn rất phong phú, đa dạng về loại hình,
gồm cả vũ khí tấn công, cả vũ khí phòng thủ. Tài liệu khảo cổ học cho biết,
vào lúc bấy giờ, giáo, lao, rìu, cung tên, là những loại vũ khí thông dụng,
được đa số binh lính sử dụng. Nhờ có kỹ thuật chế tác đồ đồng phát triển,
các loại vũ khí càng trở nên tiện lợi, sắc bén và đạt hiệu quả cao.