LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG VIỆT NAM - TẬP 1 - Trang 347

Kết luận

1. Tư duy, tư tưởng quân sự Việt Nam xuất hiện từ buổi đầu dựng

nước và giữ nước, có một quá trình hình thành, phát triển liên tục chủ yếu
do nhu cầu chống ngoại xâm, luôn gắn liền trong mối quan hệ giữa chiến
tranh và hòa bình, giữa dựng nước và giữ nước. Suốt dọc dài lịch sử từ thế
kỷ III Tr. CN đến đầu thế kỷ XV, dân tộc ta đã nêu cao tinh thần bất khuất,
độc lập tự cường, lòng yêu nước, trí thông minh và tài năng thao lược; xây
dựng nên một truyền thống tư tưởng, văn hóa quân sự độc đáo. Mỗi giai
đoạn lịch sử, ông cha ta đều có những tư duy, quan điểm, tư tưởng quân sự
sáng tạo, đều giành được nhiều chiến công, lập nên những chiến tích phi
thường trong sự nghiệp đánh giặc, giữ nước.

Trong giai đoạn dựng nước và giữ nước thời Hùng Vương - An

Dương Vương, nhiều truyền thống dân tộc đã được hình thành, tư duy, tư
tưởng quân sự Việt Nam xuất hiện và phát triển bước đầu. Nhân dân Văn
Lang - Âu Lạc phải liên tục chống nhiều thứ giặc, tiêu biểu là hai cuộc
kháng chiến chống Tần (thế kỷ III Tr. CN) và chống Triệu (thế kỷ II Tr.
CN). Vừa dựng nước, tổ tiên ta đã phải nghĩ đến đánh giặc, giữ nước. Qua
đấu tranh với thiên tai và địch họa, ý thức cộng đồng, ý chí chống ngoại
xâm phát sinh và phát triển. Người Việt đã rút ra được nhiều bài học, trong
đó có bài học chiến thắng quân thù xâm lược và bài học mất nước thời An
Dương Vương.

Tư duy quân sự nhỏ đánh lớn đã hình thành trong hơn mười năm

kháng chiến chống Tần. Thành Cổ Loa và các vũ khí bảo vệ thành như nỏ
Liên Châu là những sáng chế lớn về kỹ thuật quân sự, thể hiện tư duy quân
sự độc đáo của nhân dân Âu Lạc.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.