thống nhất và độc lập cho Tổ quốc; phải đem hết năng lực ra cứu nước
và xây dựng nước; phải đứng trên lập trường chung là dân tộc và dân
chủ mà phụng sự Tổ quốc. Khẩu hiệu thiết thực của văn hóa Việt Nam
lúc này là: Dân tộc và dân chủ. Khẩu hiệu căn bản của văn hóa Việt
Nam trong giai đoạn này vẫn là: Dân tộc hoá, khoa học hoá, đại
chúng hoá. Nhiệm vụ cụ thể của văn hóa Việt Nam trong kháng chiến
là phát triển tinh thần đoàn kết và yêu nước của dân tộc, củng cố niềm
tin của nhân dân vào sự nghiệp dân tộc giải phóng; phát triển những
cái hay, cái đẹp trong văn hóa cổ truyền của dân tộc đồng thời bài trừ
những cái xấu xa hủ bại; ngăn ngừa sức thâm nhập và tấn công của
văn hóa phản động, văn hóa thực dân, học những cái hay, cái tốt của
văn hóa thế giới, nhất là văn hóa Tàu, Pháp; kiến thiết một nền văn
hóa mới cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giáo dục nhân dân,
gây dựng đời sống mới, phát triển tư tưởng khoa học và học thuật tiến
bộ, phát triển văn nghệ đại chúng....
Khi đất nước bị xâm lăng, cả dân tộc Việt Nam phải đứng lên
chiến đấu. Do vậy, tất cả hoạt động văn hoá lúc này đều nêu cao khẩu
hiệu: Yêu nước và căm thù giặc. Văn hóa cách mạng phải có nhiệm vụ
kích thích, bồi đắp, cổ vũ tinh thần chiến đấu, khơi dậy nhiệt huyết
cách mạng của nhân dân, thôi thúc nhân dân hăng hái tham gia kháng
chiến.
Trong chiến tranh, một khi bản sắc văn hoá dân tộc, mà nội
dung cơ bản là chủ nghĩa yêu nước được bảo tồn vững chắc; văn hoá
giáo dục phát triển tích cực, lành mạnh; dân trí ngày một nâng cao;
bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam được khẳng định vững vàng...
thì sẽ tạo nên một sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn và những hoạt
động văn hoá - tư tưởng sẽ trở thành một mũi tấn công lợi hại trong
cuộc chiến đấu toàn diện của nhân dân ta với kẻ thù. Chính vì vậy,
ngoài việc tập trung lãnh đạo các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế,
Đảng còn chú trọng chăm lo xây dựng, phát triển giáo dục, y tế và đời
sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.