III. KẾT LUẬN
57. Những nhận xét đã trình bày trong quyển nầy đã cho ta thấy rõ hai
điều quan trọng :
1) Tiếng Việt không phải là một phương ngữ của tiếng Tàu, nên có
những nguồn gốc, văn phạm và tánh cách riêng.
2) Tiếng Việt xưa nay bị rẻ rúng, và luôn theo, văn chương Việt Nam
cũng bị khinh thường.
58. Điều nhận xét thứ nhất cho ta một đối tượng rõ rệt khi ta nghiên
cứu văn chương Việt Nam. Ta sẽ loại ra ngoài tất cả những tác phẩm làm
bằng những thứ tiếng không phải là tiếng Việt.
Điều nhận xét thứ hai sẽ đem lại cho ta một tin tưởng vững chắc về sự
xán lạn của tương lai văn chương Việt Nam. Trong khi tiếng Việt bị rẻ rúng
mà ta đã có những áng văn chương lộng lẫy, huy hoàng như những bài thơ
của Hồ Xuân Hương hay là tập Đoạn trường tân thanh, thì sau nầy, tiếng
Việt được trau dồi châu đáo, cẩn thận, văn chương Việt Nam được vun
quén kỹ lưỡng, lẽ nào ta chẳng lượm được những giai phẩm khác hơn sao ?
Còn thêm một lẽ nữa cho ta tin tưởng, khi ta đi sâu vào sự nghiên cứu
văn chương Việt Nam. Ta sẽ thấy rằng văn chương Việt Nam được phồn
thạnh trong mấy hồi dân tộc chổi dậy. Mà nay là lúc dân tộc Việt Nam chổi
dậy một lần nữa. Đó không phải là một cái lý cho ta hy vọng sao ?