LỊCH SỬ VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM - TẬP 1 - Trang 34

Ở xứ Việt Nam, từ xưa đến bây giờ, lại khác hẳn. Khi bị đô hộ, thì

chịu chế độ đồng hóa, đã đành, mà khi được tự chủ cũng thẹn mình vì ngôn
ngữ văn chương của dân tộc. Những hạng người cầm quyền, trưởng giả đều
ráng sức học, bắt chước cho được văn chương của nước đô hộ mình, và khi
đã thành, thì việc sáng tác bằng tiếng nói nước ngoài là một danh dự.

Câu nôm na là cha mách qué tả một tình trạng não nề kéo dài cả hai

ngàn năm.

52. Thỉnh thoảng, có một vài triều đại nhờ sự sanh hoạt tinh thần của

dân quá dồi dào, nên cũng hưởng ứng với dân, mà sáng tác bằng tiếng nôm,
hoặc khuyến khích văn chương Việt Nam. Nhưng đó chỉ là một cuộc du hí
chớ không có tánh cách của một sự cố gắng, nỗ lực vĩnh cữu, đeo đuổi theo
mục đích làm cho rạng rỡ văn chương Việt Nam.

Chỉ có hai lượt, nhưng mỗi lượt đều ngắn, sự giúp đỡ của nhà nước

được lập nên theo kế hoạch. Những thành tích ấy lại không có gì cả.

53. Các tầng lớp bên trên của xã hội đã khinh miệt và rẻ rúng tiếng

nôm cùng văn chương Việt Nam như vậy, thì văn chương Việt Nam sanh
nở và trưởng thành được nhờ dân chúng vậy.

Khác hơn ở xứ khác, nguồn gốc của văn chương Việt Nam là nguồn

gốc bình dân.

54. Bởi tiếng Việt Nam có nhiều âm hưởng mà ý nghĩa đầy tình cảm,

nên dễ biến ra câu hát, bài thơ. Mà mẹo luật Việt Nam rộng rãi, nên ai có
tính ngộ nghĩnh đều làm văn được. Vì vậy mà sự sáng tác của bình dân
không gặp trở lực nào cả.

Khi làm việc cần nỗ lực, thì làm những bài dô ta, khi cần có nhẫn nại,

thì có bài hò, bài hát, khi có hội chơi thì có đủ trò. Ở các xứ khác, nền văn
chương tuy gọi là bình dân, song cũng phải do một số ít tay thợ chuyên
môn. Còn ở Việt Nam, thì hầu hết đều có thể góp phần ít nhiều vào sự sáng
tác chung.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.