TỰA
Bấy lâu, đối với lịch-sử Việt-nam, tôi thường chủ trương : nên khảo
dần từng thời kỳ một. Khi nào tài liệu đầy đủ, đại thể phác xong, bấy giờ
mới bắt tay viết hẳn toàn bộ ; nếu một người không viết kịp thì nhiều người
khác sẽ viết thay, thế hệ này không làm xong thì thế hệ sau sẽ làm trọn.
Vì sao ? Vì công việc làm sử ở Việt-nam khác với ở nhiều nước khác.
Ở họ, có đủ điều kiện thuận tiện, sử liệu sẵn sàng, sử gia chỉ cần lặt lượm
tài liệu, ghi chép tinh tường với một phương pháp thật vững chắc : thế là
một người có thể viết được một bộ sử thật đầy đủ.
Còn ở Việt-nam, chỉ nội mấy việc tìm tòi sử liệu, lựa chọn sử liệu, phê
phán sử liệu, cũng đủ tốn bao công phu, hao bao thì giờ rồi. Thêm nỗi
những triều đại bị xóa nhòa dấu-tích, như nhà Hồ (1400-1407), nhà Mạc
(1527-1592) và nhất là nhà Tây-sơn (1778-1802), lại càng phải dụng công
lắm mới kê cứu được đôi chút ngạnh khái. Hơn nữa, những hồi loạn lạc
như cuối Trần
, cuối Lê
, cuối Tây-sơn
, cuối Tự-đức
lại chính là những
đoạn sử tối quan trọng càng phải khảo kỹ hơn.
Vả, lịch-sử bây giờ đã thành một khoa học, mà là một khoa học tất yếu
và rất hệ trọng của người đời. Nó dính-líu mật-thiết với các khoa học khác
như khảo cổ học, địa chất học, địa lý học, nhân loại học, nhân chủng học,
xã hội học, chính trị học, pháp luật học, kinh tế học, ngữ học, văn học, mỹ
học…
Tài liệu làm sử, ngoài những sách xưa, sử cũ, báo chí cổ kim, công
văn, tư khế, còn phải cần đến đồ đào được, chữ cổ, bia cổ, tiền cổ, kiến
trúc vật và hết thảy những cái có liên quan đến cuộc sinh hoạt chung, tiến
hóa chung của một xã hội.
Vậy bấy nhiêu công việc ấy, đòi hỏi ở một người thì biết làm sao ?
Phương chi, hiện nay, khói lửa còn mịt mờ, máu xương đang lênh-
láng, đường giao thông chưa thuận tiện, cuộc bang giao chưa thiết lập