vị trí, thì không thể nào đẩy được máu vượt qua các van đó được. Fabrici tin rằng những cấu trúc nhỏ
nằm trong tĩnh mạch hoạt động như các cửa cống của hồ chứa nước nhà máy xay, chỉ nhằm điều tiết
lượng nước chảy, chứ không phải hướng chảy. Khác với Fabrici, Harvey cho rằng máu tĩnh mạch chảy
về tim chứ không ra phía ngoại vi.
WILLIAM HARVEY VÀ SỰ TUẦN HOÀN CỦA MÁU
William Harvey (1578-1657) là con cả trong 7 người con của Thomas Harvey và là người duy nhất trong
gia đình buôn bán và địa chủ trở thành thầy thuốc. Sau khi lấy được bằng Cử nhân Nghệ thuật của
trường Caius College, Cambridge, năm 1597, Harvey theo gương của những học giả-nhà nhân văn lớn
người Anh đi đến Padua. Năm 1602, Harvey quay về nước Anh và trở nên phát đạt khi hành nghề y.
Cuộc hôn nhân với Elizabeth Browne, con gái của Lancelot Browne, vốn là ngự y của Elizabeth I và
James I, đã giúp cho ông tiếp cận với hàng ngũ cao cấp của triều đình và trong nghề nghiệp. Sau nhiều
lần thăng cấp nhanh chóng, Harvey được bầu vào Viện các thầy thuốc, được bổ nhiệm làm thầy thuốc tại
bệnh viện St. Bartholomew, Giảng viên Lumleian của Viện các thầy thuốc và là ngự y đặc biệt của vua
James I. Harvey giữ vị trí sau này khi Charles I lên ngôi vua năm 1625 và được thăng làm thầy thuốc
thường nhiệm năm 1631 và thầy thuốc thường nhiệm cao cấp vào năm 1639 (điều này hơi lạ vì chức
danh thường nhiệm trong thang bậc thầy thuốc triều đình lại danh giá hơn là ngoại hạng).
Là một trong những thầy thuốc của nhà vua, Harvey được giao một số nhiệm vụ khác thường như chẩn
đoán ra phép phù thủy, một lĩnh vực mà vua James I quan tâm nhiều. Các nhiệm vụ của Harvey buộc ông
phải tháp tùng với vua Charles I trong nhiều chuyến đi và phục vụ trong Cuộc Nội chiến.
Chính theo yêu cầu của nhà vua mà Harvey thực hiện một trong những cuộc phẫu nghiệm bất thường
nhất, đó là mổ xác cho Thomas Parr, người được coi là già nhất nước Anh. Được mang đến London năm
1635, ông lão Parr được đưa vào trình diện trước vua Charles I, và sau đó ra mắt công chúng tại Queen’s
Head Tavern. Cuộc sống tại London làm sức khỏe của Parr trở nên tồi tệ và chẳng bao lâu sau đó ông
mất, được coi là thọ 152 tuổi. Qua kết quả mổ xác, Harvey kết luận rằng nguyên nhân tử vong là viêm
phổi-màng phổi, nhưng những người khác thì cho là vì tuổi già.
Có thể Harvey đã gợi ra một phương thức cách mạng trong sinh học thực nghiệm và sinh lý học con
người, nhưng về mặt nghề nghiệp và xã hội, nhờ thái độ bảo thủ và tuân thủ hình thức đã giúp cho ông
tránh thoát những mưu mô chính trị và sự ganh đua nghề nghiệp. Qua bao xung đột giữa những người
ủng hộ vua Charles I và các lực lượng nghị viện do Oliver Cromwell (1599-1658) lãnh đạo, Harvey vẫn
trung thành với nhà vua. Sau khi phái Bảo Hoàng bị đánh bại và vua Charles I bị hành quyết công khai
năm 1649, Harvey rút lui về quê gần London sống cùng với anh em. Bị chứng gút hành hạ và sức khỏe
suy yếu, ông ta đâm nghiện thuốc phiện và nhiều lần muốn tự sát.
Những ghi chú trong bài giảng Lumleian cho thấy Harvey đã hiểu rõ chuyển động của tim và máu nhiều
năm trước 1628, khi “Chuyên luận giải phẫu học về chuyển động của tim và máu trên động vật”, thường
được gọi là bộ De motu cordis, được xuất bản. Như đã thú nhận trong quyển sách của mình, Harvey cho
hoãn lại việc xuất bản vì cho rằng những quan điểm của mình về sự chuyển động của máu còn rất mới và
xa lạ cho nên ông sợ rằng “làm cho cả nhân loại thù ghét” mình.