ra cả hệ tuần hoàn lớn lẫn hệ tuần hoàn nhỏ, Cesalpino, giáo sư y khoa và thực vật học của Đại học Pisa,
là một người có học vấn uyên thâm, người vừa hết lòng tôn kính Aristotle nhưng cũng không bỏ qua
những cải tiến của thời Phục hưng. Các học thuyết y khoa của ông đặt cơ sở trên khung triết học
Aristotle được xây dựng trong quyển Quaestionum peripateticarum do ông viết năm 1571. Trong khi
cũng viết nhiều sách về y học thực hành, nhưng lĩnh vực ưa thích của ông lại là thực vật học.
Điều chắc chắn là, Cesalpino có năng khiếu chọn những từ như sự tuần hoàn và các mao mạch là những
từ nghe có độ dự cảm đáng chú ý trong tai của hậu thế, ít nhất cũng là trong dịch thuật. Những mô tả của
ông về các van tim, mạch máu nối liền tim với phổi và các con đường của tuần hoàn phổi được xác định
rõ ràng. Cesalpino cũng sử dụng những thuật ngữ trữ tình để ví von trái tim như một nguồn nước phun ra
4 mạch máu lớn tưới khắp cơ thể “giống như 4 con sông chảy ra từ Thiên đàng”. Nếu những người cùng
thời với Cesalpino thường bỏ qua những ý kiến của ông về trái tim, thì những người ủng hộ Cesalpino
hiện đại đã bỏ nhiều công sức để tìm ra những phần được ông đề cập liên quan đến hệ tuần hoàn và sắp
xếp những viên ngọc quý này thành các sơ đồ giúp cho các độc giả có ít thời gian không bỏ sót.
Giống như Servetus, Cesalpino xứng đáng được coi như là người phản ánh tầm vóc các tư tưởng của các
nhà giải phẫu học thế kỷ 16. Cesalpino bận bịu với các tư tưởng thuộc trường phái Aristotle về vị trí ưu
thế của tim và sự vận chuyển của chất nóng bên trong cơ thể. Là người theo Aristotle, Cesalpino tấn
công các quan niệm của Galen bằng những luận cứ triết học và bằng chứng về giải phẫu học. Về việc
này, Cesalpino xứng đáng có một chỗ trong lịch sử sinh lý học, nhưng không phải là chỗ của chính
William Harvey.
Do William Harvey cho rằng sự trình bày các van tĩnh mạch do Girolamo Fabrici (Hieronymus
Fabricius; 1533-1619), thầy của ông ta tại Đại học Padua, là một yếu tố chính giúp ông nghĩ rằng máu
lưu hành theo một vòng tròn, sự khám phá ra những cấu trúc này chiếm một vị trí quan trọng trong lịch
sử của hệ tuần hoàn. Có nhiều nhà giải phẫu học đã mô tả về các van tĩnh mạch hầu như cùng lúc với
Harvey, nhưng ở đây ta chỉ xem xét công trình của con người đã trực tiếp truyền cảm hứng cho Harvey.
Sau khi lấy học vị tiến sĩ tại Đại học Padua, Fabrici mở được một phòng mạch tư phát đạt và dạy môn
giải phẫu học. Dần dà ông ta thay thế chức danh giáo sư phẫu thuật và giải phẫu học của Gabriele
Fallopio. Dạy môn giải phẫu học là một công việc khó khăn và buồn chán và Fabrici cũng như Fallopio
dường như trốn tránh nhiệm vụ này mỗi khi có cơ hội. Đôi khi ông ta bỏ đi trước khi hoàn tất khóa học,
làm nổi giận các sinh viên đến Padua tìm học nhà giải phẫu học danh tiếng. Fabrici coi việc giảng dạy là
một cực hình ảnh hưởng lớn tới việc nghiên cứu và hành nghề tư của mình. Học trò than phiền rằng ông
ta chán nản ra mặt và không thiết tha gì đến việc dạy dỗ. Có lẽ họ cho rằng đúng ra thầy phải nhiệt tình
còn học trò thì nên buồn chán và hững hờ. Chuyên luận “Về các van của tĩnh mạch” mãi đến 1603 mới
được xuất bản, nhưng Fabrici cho biết rằng ông ta đã nghiên cứu về cấu trúc, sự phân bố và chức năng
của các van tĩnh mạch từ năm 1574. Fabrici cho rằng Tự nhiên đã tạo ra các van là nhằm làm chậm lại
dòng máu đi từ tim ra ngoại vi để cho mọi bộ phận của cơ thể nhận đều chất nuôi dưỡng. Các động mạch
không cần đến van bởi vì nhịp đập liên tục của thành mạch dày sẽ ngăn không cho động mạch bị dãn ra,
phồng lên và tụ máu lại. Sau khi kêu gọi mọi người chú ý đến một thủ thuật thông thường, Fabrici cho
thấy rằng khi buộc một dây thắt vào cánh tay của người sống để chuẩn bị trích huyết, ta có thể thấy
những nốt nhỏ xuất hiện dọc theo đường đi của tĩnh mạch. Khi mổ xác cẩn thận sẽ phát hiện rằng những
chỗ phồng này tương ứng với vị trí của các van trong tĩnh mạch. Tò mò vì phần trình bày của Fabrici về
các van tĩnh mạch, Harvey lặp lại những thí nghiệm đơn giản của mình và nhận thấy khi đặt dây thắt vào