các ý kiến ngày nay về việc chuyên khoa hóa ngành nghề và tình trạng pháp lý của các thầy thuốc sẽ
khác rất nhiều với những ý kiến thịnh hành vào thời Trung cổ. Thật vậy, trong toàn bộ lịch sử, đa số các
thầy thuốc, dù là nam hay nữ, đều hành nghề không có giấy phép và chỉ có một nhóm nhỏ có bằng cấp
đại học. Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa nhiều hạng thầy thuốc khác nhau, là một yếu tố trong thị trường y
khoa thời Trung cổ - thầy thuốc, phẫu thuật viên, người bán thuốc và thầy thuốc gia truyền.
Các tài liệu thời Trung cổ nói về các thầy thuốc nữ không có nhiều, nhưng các sử gia đã tìm được một
vài ví dụ về các phụ nữ chuyên trị bệnh thống phong và bệnh về mắt và một thầy thuốc nữ có tước hiệu
“đại sư” (magistra). Giữa thế kỷ 13 và 15, một số phụ nữ được cấp giấy phép hành nghề nội khoa hoặc
phẫu thuật, mặc dù đôi khi việc hành nghề của họ chỉ khu trú vào bệnh nhân nữ, hoặc các rối loạn liên
quan đến tuyến vú và các cơ quan sinh sản. Lấy ví dụ, luật của Tây Ban Nha thế kỷ 14 cấm phụ nữ
không được hành nghề y hoặc kê đơn, nhưng luật lại chừa một ngoại lệ dành cho phụ nữ và trẻ em. Vì
không có được tiêu chuẩn đào tạo chính quy đối với đa số các nghề nghiệp, cho nên phụ nữ và nam giới
thời Trung cổ có thể làm nhiều ngành nghề khác nhau toàn thời gian hoặc bán thời gian trong cuộc đời
của họ. Vì thế, nhiều nghề nghiệp trong lĩnh vực chữa bệnh như hộ sinh, chữa bệnh bằng thảo dược, điều
dưỡng và phẫu thuật có thể đã được hành nghề không chính thức hoặc tùy lúc. Những ai đạt được ít
nhiều thành công trong những công việc trên có thể được gia đình, bè bạn, hàng xóm xem như là thầy
thuốc mặc dù họ không hề được đào tạo gì cả hoặc có được phép hành nghề chính thức. Phụ nữ có thể là
người tích cực tham gia vào công việc của cha hoặc chồng, bởi vì không có mấy sự phân tách giữa việc
nhà với phòng mạch, hoặc chăm sóc người trong gia đình và giám sát những thợ học việc. Có rất ít phụ
nữ có tên trong các hội nghề nghiệp thời Trung cổ, nhưng có khả năng là nhiều phụ nữ xin phép được
hành nghề nội khoa hoặc phẫu thuật khi cha hoặc chồng của họ chết, vì trước đó những phụ nữ này đã
thực hiện những công việc có liên quan đến các nghề nghiệp trên.
Các thầy thuốc phụ nữ có giấy phép hành nghề hầu như biến mất vào thế kỷ thứ 16, nhưng biết bao
lang băm nhộn nhịp bán thảo dược, bùa ngải. Đội ngũ những người hành nghề ngoài pháp luật này gồm
có phẫu thuật viên - thợ cạo, thầy thuốc chữa bệnh bằng thảo dược, nữ hộ sinh và điều dưỡng. Khi nghề
y chiếm được nhiều quyền lực và uy tín hơn, thì vị trí của các thầy thuốc phụ nữ lại càng trở nên bấp
bênh. Dù các công trạng tương đối của các học giả, tu sĩ, thầy thuốc, nữ hộ sinh và thầy thuốc gia truyền
có đến mức nào, thì có lẽ những thầy thuốc ưu tú nhất của thời Trung cổ là những người được nêu tên
trong quyển cẩm nang y học phổ thông mang tên Chế độ điều trị Salerno: bác sĩ Thanh thản, bác sĩ Nghỉ
ngơi, bác sĩ Tiết thực và bác sĩ Yêu đời. Tiếc rằng những vị bác sĩ này không hề nằm trong danh sách
nhân viên của một bệnh viện nào đó hoặc đến túp lều của người nghèo mà thăm bệnh.
CÁC BỆNH DỊCH THỜI TRUNG CỔ
Nhiều bệnh tật được mô tả trong các tài liệu thời Trung cổ ngày nay vẫn còn tồn tại, nhưng trong sự
tưởng tượng của người thường, những bệnh đáng sợ nhất trong mọi bệnh dịch, bệnh phong và bệnh dịch
hạch, vẫn gây ám ảnh cho chúng ta nhất về thời kỳ này. Các sử gia có thể lập luận rằng không nên xếp
dịch hạch và bệnh phong vào những “bệnh thời Trung cổ”. Các trận dịch hạch vẫn còn tiếp tục đến thế
kỷ 19 và cả dịch hạch lẫn bệnh phong vẫn là những đe dọa về y tế công cộng quan trọng tại một số vùng
trên thế giới vào cuối thế kỷ 20. Mặt khác, cũng có thể cho rằng hai trong số những trận đại dịch mà thế
giới từng trải qua - trận dịch hạch Justinian và Cái Chết Đen - dường như là cái sườn phù hợp để viết nên
lịch sử y học thời Trung cổ.