sinh khó, giải quyết sẩy thai, chăm sóc sau sinh, việc cho con bú, và các vấn đề liên quan đến tuyến vú.
Phần bàn luận về việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh bao gồm lời khuyên cách tìm vú em, thuốc trị
bệnh chốc đầu, các loại ký sinh trùng ở trẻ em, ói mửa, sưng họng, ho gà và đau nhức.
Các ý tưởng thời Trung cổ về sức khỏe và sinh lý học phụ nữ rõ ràng là chịu ảnh hưởng của các tài liệu y
học Salerno mà về sau được in ra thành tác phẩm Trotula. Có lẽ, ảnh hưởng lâu dài của tác phẩm tương
ứng rất nhiều với các phát hiện gần đây là các bản thảo Trotula hầu như bao giờ cũng do các thầy thuốc
nam giới sở hữu và sử dụng. Các sử gia gợi ý rằng hình thức sở hữu này cho thấy trong suốt thời Trung
cổ, các thầy thuốc nam giới đã tìm cách mở rộng phạm vi phục vụ của họ sang lĩnh vực phụ khoa. Thật
vậy, một số sử gia tin rằng về cơ bản tất cả các tài liệu về phụ khoa thời Trung cổ đều do nam giới viết để
cho thầy thuốc nam giới sử dụng. Những phát hiện này đã thách thức những nhận định trước đây là trong
suốt thời Trung cổ, phụ nữ chỉ tìm đến các thầy thuốc phụ nữ về các vấn đề như kinh nguyệt, khả năng
sinh sản, thai kỳ và sinh con. Phụ nữ thường tìm sự tư vấn của các bà đỡ về “các bệnh tật phụ nữ” cũng
như việc sinh đẻ, nhưng để xác định được phạm vi hoạt động của ngành hộ sinh thời Trung cổ quả thật là
khó bởi vì các bà mụ không có hội đoàn hoặc các hội nghề nghiệp. Nói chung, các quy định liên quan
đến ngành hộ sinh chỉ đến thế kỷ 15 mới xuất hiện và các quy định cho phép hành nghề thường nhằm
đến vấn đề đạo đức hơn là năng lực y khoa.
Trái ngược với những nhận định thông thường về các thầy thuốc nữ tại châu Âu thời Trung cổ, các
nghiên cứu gần đây cho thấy rằng phụ nữ đã hành nghề nội khoa và phẫu thuật cũng như đỡ đẻ. Lấy ví
dụ, tại một số vùng ở nước Pháp, phụ nữ có thể hành nghề nội khoa hoặc phẫu thuật nếu họ qua được
một kỳ sát hạch. Tuy nhiên, khi các trường y và các tổ chức nghề nghiệp chiếm được uy tín và quyền
lực, thì các luật lệ quản lý việc hành nghề y khoa càng ngày càng trở nên ngặt nghèo hơn trên khắp châu
Âu. Những ai hành nghề không có phép đều bị truy tố, phạt tiền hoặc bị rút phép thông công vì vi phạm
luật pháp. Nhiều người âm thầm chăm sóc cho người ốm, tên của họ chỉ bị nêu ra khi bị các thầy thuốc
muốn tranh giành thị trường chăm sóc sức khỏe tố cáo. Như trong trường hợp Jacoba (hoặc Jacquéline)
Felicie ở Paris năm 1322, không được đào tạo chính quy không có nghĩa là kém tài năng hoặc kinh
nghiệm.
Khoa trưởng và khoa Y của đại học Paris kết tội Jacoba là đã lén lút khám bệnh, lấy mạch, nước tiểu,
khám thân thể, tứ chi cho bệnh nhân, kê đơn, lấy tiền công khám, và tệ hơn nữa, là đã chữa lành cho
bệnh nhân. Jacoba không những đã cảm thấy đủ khả năng hành nghề, mà còn cho rằng mình đủ sức để tự
biện hộ. Người bệnh được mời tới làm chứng đã ca ngợi tài của bà này; một số cho biết rằng bà ta đã
chữa cho họ khỏi bệnh trong khi các bác sĩ chính quy không làm được. Jacoba lập luận rằng luật pháp
đặt ra là để ngăn không cho những tay lang băm dốt nát và bất tài hành nghề; còn với Jacoba, do có đủ
kiến thức và tài năng cho nên luật pháp không áp dụng tới. Hơn thế nữa, do bản tính e lệ tự nhiên của
“việc riêng” những bệnh phụ nữ, cho nên cần phải có thầy thuốc nữ.
Vị khoa trưởng và khoa Y khi khởi tố Jacoba cũng không bác bỏ tài năng của bà này, nhưng họ lập luận
rằng y học là một khoa học được truyền đạt qua sách vở chứ không phải là một nghề chỉ cần học qua
kinh nghiệm. Thực ra thì mục tiêu lớn của khoa y đại học Paris là nhằm kiểm soát việc hành nghề của
các phẫu thuật viên, thợ cạo, các thầy thuốc gia truyền dù là nam giới hay phụ nữ. Vì vậy, các phiên tòa
xử các thầy thuốc không có giấy phép cho ta biết phần nào về cuộc đời của những người hành nghề thầm
lặng và mối quan hệ giữa các thầy thuốc không được công nhận và cộng đồng y khoa ưu tú. Đối với vụ
kiện chống lại Jacoba, tòa án nhất trí với cách giải trình về những quy chế mà Khoa Y đưa ra. Tuy nhiên,