theo Kinh thánh nói về bệnh phong đòi hỏi rằng người và vật gì có dấu hiệu nghi ngờ đến bệnh phong
phải mang tới các tu sĩ khám xét. Bệnh phong được cho rằng không những chỉ ở trong người mà còn
nằm trong quần áo bằng len hoặc vải, các vật dụng làm bằng da, và thậm chí cả nhà ở nữa. Các dấu hiệu
chẩn đoán là da tróc vẩy, nổi mụn, lên vảy hoặc đốm da mất màu. Khi các dấu hiệu không rõ, tu sĩ sẽ biệt
giam người nghi ngờ bị bệnh trong vòng hai tuần để khám xét cho rõ. Khi có phán quyết cuối cùng,
người hủi bị buộc phải sống biệt cư và hô to “ô uế, ô uế” để cảnh báo cho những ai đến gần mình.
Các giáo huấn của đạo Hồi cũng phản ánh mối sợ hãi về bệnh phong. Đấng Tiên Tri Muhammad cảnh
báo “Hãy tránh xa kẻ hủi như tránh xa sư tử”. Theo giáo luật và tục lệ đạo Hồi, người bị bệnh hủi không
được bén mảng đến các nhà tắm. Người ta cho rằng thức ăn nếu bị người hủi chạm vào sẽ truyền bệnh và
không có cây cỏ nào mọc trên chỗ đất nếu đã bị bàn chân trần của người hủi.
Lướt qua những phát hiện ngày nay về bệnh này có thể sẽ giúp cho ta hiểu về những sự mơ hồ và phức
tạp trong tài liệu thời Trung cổ nói về bệnh phong. Mycobacterium leprae, vi khuẩn gây bệnh phong
được một thầy thuốc người Na Uy tên Gerhard Hansen (1841-1912) phát hiện năm 1874. Ngay từ năm
1871, Hansen đã quan sát trực khuẩn bệnh phong, nhưng quả thực là khó để chứng minh rằng vi khuẩn
tìm ra trong mẫu da nạo của bệnh nhân đó thực sự là tác nhân gây bệnh. Không có mô hình súc vật nào
để thử và con vi khuẩn bệnh phong giả định kia không chịu mọc trên môi trường cấy. Các nhà khoa học
phải mất gần 100 năm mới vượt qua những trở ngại đó. Để vinh danh Gerhard Hansen và tránh những
phân biệt đối xử liên quan đến thuật ngữ “hủi”, bệnh phong được gọi là bệnh Hansen.
Điều gây ngạc nhiên nhất của bệnh Hansen là trên thực tế bệnh này chỉ lây rất ít. Nhiều người có thời
gian tiếp xúc dài ngày và thân cận với người bị hủi chẳng hạn như vợ chồng, điều dưỡng, bác sĩ nhưng
lại không mắc bệnh, trong khi những người khác tiếp xúc ít lại bị nhiễm. Khi bệnh phong là bệnh lưu
hành, hầu như mọi người đều bị phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh, nhưng thực sự chỉ có một số phần
trăm nhỏ bị mắc bệnh mà thôi. Những ai có sự khiếm khuyết trong hệ thống miễn dịch dường như dễ bị
nhiễm M. leprae. Bằng chứng về mức độ lây hạn chế của bệnh phong ngày nay, dĩ nhiên, không chứng
minh được là trong quá khứ bệnh này không có tính lây nhiễm cao hơn. Tuy vậy, bệnh phong cũng
không lây nhiễm nhiều như các tác giả thời Trung cổ nhận định. Các nhà chức trách y tế và tôn giáo cho
rằng bệnh phong có thể lây truyền qua ánh mắt của người hủi hoặc do một người hủi đứng khuất trên đầu
gió đối với người khỏe mạnh.
Có nhiều thể trung gian giữa hai hình thức bệnh Hansen là thể phong củ (tuberculoid) và thể phong u
(lepromatous). Nếu người bị nhiễm hình thành được một phần đáp ứng miễn dịch, thì bệnh sẽ có dạng
phong củ, thể bệnh này không lây và không nguy hiểm cho người khác. Các triệu chứng sớm của thể
phong củ là các thương tổn ngoài da và mất cảm giác ở vùng da bị tổn thương. Rủi thay, mất cảm giác và
đáp ứng miễn dịch yếu lâu dần sẽ gây hủy hoại cho các mô. Khoảng 80% các trường hợp bệnh phong rơi
vào thể này. Người bệnh ở thể phong củ hình thành được một đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào có
hiệu quả một phần đối với sự nhiễm trùng mặc dù đáp ứng này không loại bỏ vi khuẩn ra khỏi cơ thể
được. Những người bị thể u nặng nề hơn về cơ bản không có đáp ứng miễn dịch. Vi khuẩn tăng sinh
không giới hạn và một số lượng lớn vi khuẩn được thải ra trong dịch tiết ở mũi. Thể phong u biểu hiện
với các thương tổn ngoài da như mảng da gồ lên, u, và cục. Dần dà, da ở vùng trán và mặt dày lên,
những đường hằn sâu thêm, lông mày lông mi rụng đi làm cho có vẻ mặt như sư tử. Khi bệnh diễn biến,
các tổn thương ở da dẫn tới mất sụn và xương. Khoảng 30% tất cả các bệnh nhân Hansen dần dà bị biến
dạng gây tàn phế vì các khớp bị hư hoại, các