1324. Quyển Giải phẫu học của Mondino mang tính thực tiễn và súc tích. Bản in đầu tiên của bản phổ
thông xuất hiện vào năm 1478 và sau đó có ít nhất là 40 ấn bản nữa. Nhưng các nhà nhân văn học y học
lại gạt bỏ nó và chuyển sang những ấn bản mới được phục hồi về nội dung giải phẫu học của Galen, nhất
là quyển “Bàn về việc sử dụng các phần của cơ thể” và “Bàn về các phương thức giải phẫu học”. Một số
trong các tài liệu đầu tiên có đưa ra các sơ đồ đơn giản, nhưng các hình ảnh này lại không giúp ích gì
nhiều để làm rõ các nguyên tắc giải phẫu học. Sự thành thạo các nguyên tắc về phối cảnh nghệ thuật của
thế kỷ 15 đã tạo điều kiện ra đời môn nghệ thuật mới là vẽ minh họa giải phẫu học.
Sự hình thành một mối liên hệ đặc biệt với các khoa học, nhất là môn giải phẫu học, toán học, và quang
học cũng như cảm hứng của các lý tưởng Hy Lạp cổ điển, đã tạo cho nghệ thuật thời Phục hưng nhiều
đặc trưng khác biệt. Họa sĩ và thầy thuốc đều muốn có kiến thức chính xác về giải phẫu học. Các họa sĩ
đưa ra một điểm nhấn mới là làm thế nào tái dựng chính xác thú vật và cây cỏ, cách sử dụng khoa học
luật phối cảnh, và trên hết là ý tưởng rằng cơ thể người đẹp đẽ và đáng để nghiên cứu. Để làm cho nghệ
thuật của mình sát với cái sống và cái chết, các họa sĩ tham dự những buổi mổ xác công khai và hành
hình và nghiên cứu các thi thể còn nguyên và bị lột da để xem các cơ và xương hoạt động như thế nào.
Nếu nhiều họa sĩ và nhà điêu khắc thời Phục hưng hướng về sự mổ xác, thì không ai vượt qua được
Leonardo da Vinci (1452-1519) - họa sĩ, nhà kiến trúc, kỹ sư, và nhà phát minh - về mặt tưởng tượng
khoa học và nghệ thuật. Từ những quyển sổ ghi chép của Leonardo cho thấy đây là một thiên tài vượt
bậc, có lòng hiếu kỳ khoa học không ngừng nghỉ; những quyển sổ này cũng cho thấy sự lấn cấn khi xếp
Leonardo vào vị trí nào trong lịch sử khoa học và y học. Trong những quyển sổ đó đầy rẫy các dự án, ghi
chép, và giả thuyết xuất sắc về con người, động vật, ánh sáng, cơ học và nhiều thứ nữa. Freud là người
“phân tích tâm lý” Leonardo, đã gọi họa sĩ là “người dẫn đường cho Bacon và Copernicus”. Nhưng các
dự án lớn chưa bao giờ hoàn tất, và hàng ngàn trang ghi chép và phác thảo còn dang dở. Vốn là người
kín đáo, thuận tay trái, Leonardo đã lưu lại những ghi chép của mình dưới dạng mật mã, đó là hình thức
chữ viết ngược như đối xứng qua một tấm gương. Thật là thích thú khi suy đoán rằng nếu Leonardo mà
hoàn tất các dự án đầy tham vọng và nếu có ý cho in và công bố công trình, thì hẳn ông ta đã cách mạng
hóa nhiều ngành khoa học. Thay vào đó, di sản của Leonardo lại được đánh giá “là một tấm gương thất
bại của sự vĩ đại”, bởi vì những cái gì chưa được biết, chưa hoàn tất và chưa sắp xếp thì không được coi
là sự đóng góp cho khoa học. Dĩ nhiên, việc coi Leonardo là nhân vật điển hình cho thời đại là không
thực tế, mặc dù ông ta có nhiều người cùng thời xuất sắc. Tuy nhiên, công trình của Leonardo cho thấy
tầm vóc các tư tưởng và sự nghiệp của con người thiên tài này có thể đạt được từ các cơ sở vật chất hiện
diện vào thế kỷ 15.
Leonardo, là đứa con không được thừa nhận của một phụ nữ nông thôn và một luật sư người Florence, đã
lớn lên trong chính ngôi nhà của cha mình. Khi được 14 tuổi, Leonardo học việc với Andrea del
Verrochio (1435-1488), là họa sĩ, điêu khắc và là bậc thầy lỗi lạc nhất về nghệ thuật tại Florence.
Verrochio buộc mọi học trò đều phải học giải phẫu học. Trong vòng 10 năm, Leonardo được thừa nhận là
một họa sĩ xuất sắc và tìm được nhiều nhà bảo trợ giàu có và quyền lực. Mặc dù có những lợi thế này,
Leonardo sống một cuộc đời đầy hiếu động và phiêu lưu, phục vụ cho nhiều ông chủ, bị truy tố vì tội
quan hệ đồng tính, bắt đầu rồi bỏ đi vô số các dự án về máy móc, tượng, và sách. Chính nghệ thuật trước
hết đã đưa Leonardo vào lĩnh vực mổ xẻ, nhưng trong 50 năm ròng rã, với một sự say mê khác thường
ông ta đã kiên trì theo đuổi việc nghiên cứu giải phẫu học động vật và con người, đã mổ xác lợn, bò,
ngựa, khỉ, côn trùng và nhiều thứ khác. Được phép nghiên cứu các xác chết tại một bệnh viện ở