Ngoại khoa chiến trường luôn kèm theo việc cắt cụt tay hoặc chân, loại phẫu thuật này có thể gây tử
vong vì mất máu. Nhiều bệnh nhân chết sau phẫu thuật đoạn chi bởi vì việc đốt mô cầm máu cũng hủy
luôn phần da cần có để che chỗ chi bị cắt và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Việc sử dụng dây garot để
cầm máu khi mạch máu bị đứt tuy là phương pháp cũ, bị bỏ quên cho đến khi Paré nhắc lại cho các đồng
nghiệp cùng thời chú ý và chứng minh giá trị của nó trong phẫu thuật cắt chi. Nếu phẫu thuật viên thực
hiện khéo léo phẫu thuật này, các bệnh nhân giàu có thể gắn các chi giả đẹp đẽ và khéo léo cho phép cử
động khá dễ dàng. Paré cũng đưa ra chân gỗ phù hợp cho người nghèo.
Khi Paré bị gãy xương hở chân trái, ông ta may mắn tránh được cách điều trị thông thường, đó là đoạn
chi. (Với gãy xương đơn giản, vết thương không lộ ra bên ngoài. Gãy xương hở kèm theo rách da; vết
thương ngoài da này thường gây ra nhiều biến chứng). Năm 1561, Paré bị con ngựa của chính mình đá;
hai xương của chân trái đều gãy. Sợ bị ngựa đá tiếp, ông ta lùi lại và ngã quỵ xuống đất, làm cho chỗ
xương gãy đâm xuyên qua thịt, ống quần và ủng. Những món thuốc tìm được trong làng - lòng trắng
trứng, bột mì, muội khói bếp và bơ nóng chảy - không hề làm giảm cái đau xé ruột chút nào, nhưng Paré
vẫn bình tĩnh cắn răng chịu đau. Biết rõ diễn tiến bình thường của những chấn thương kiểu này, Paré sợ
rằng phải cưa chân để giữ mạng sống, nhưng sau đó xương gãy được nắn lại, vết thương được băng bó,
chân được bó nẹp, và sau đó cứ đắp dầu hoa hồng cho tới khi ổ mủ được tháo sạch.
Mặc dù được tiếng là tử tế, nhưng Paré lại có tính hiếu kỳ không cưỡng lại được là cứ muốn sử dụng con
người làm vật thí nghiệm. Khi vua Charles IX ca tụng các tính chất của một viên sỏi dạ dày (tức là một
khối cứng không tiêu hóa được tìm thấy trong dạ dày hoặc ruột động vật) được biếu, Paré cho rằng
những thứ sỏi như thế không có tác dụng giải độc. Để kết thúc việc tranh cãi, một tay đầu bếp của nhà
vua được gởi cho Paré thí nghiệm, tên này bị kết tội treo cổ vì đã ăn cắp hai chiếc đĩa bạc. Kẻ có tội được
viên dược sư của triều đình cho uống viên sỏi dạ dày cùng với thuốc độc. Tên đầu bếp này không gặp
may mắn, Paré đã đúng khi chứng minh là mấy hòn sỏi dạ dày này không hề có tác dụng gì cả, cũng như
nhiều thứ thuốc và thuốc giải độc cực kỳ đắt tiền và được kê đơn rộng rãi chẳng hạn như sừng kỳ lân và
bột xác ướp. Giới quý tộc dùng sừng kỳ lân làm ly để uống và luôn mang sừng kỳ lân theo bên mình khi
đi lại nhằm xua đuổi bệnh tật, cũng giống như các khách du lịch thời nay luôn mang theo những thứ
thuốc như Quinine, Dramamine và Kaopectate. Sừng kỳ lân chính hiệu giá rất đắt bởi vì chỉ có một trinh
nữ xinh đẹp mới có thể bắt được con vật nhút nhát này, nhưng nguồn cung cấp chính những chiếc sừng
kỳ lân này thực ra chỉ là sừng tê giác và sừng kỳ lân biển (narwhale).
Để bày tỏ sự ngờ vực của mình về sự hiện diện của con kỳ lân, Paré đã tiến hành một loạt các thí nghiệm
trên những thứ gọi là sừng kỳ lân, chẳng hạn như xem xét tác dụng của các bài thuốc sừng kỳ lân trên
hành vi và sự sống sót của nhện, cóc, bọ cạp có nọc độc và bồ câu được tẩm thuốc độc. Không có trường
hợp nào cho thấy tác dụng y học của sừng kỳ lân cả. Mặc dù với công trình của Paré và những câu hỏi
của những ai còn hoài nghi, nhưng bọn bán thuốc vẫn cứ nhất quyết bảo vệ cho các đặc tính của sừng kỳ
lân “thứ thiệt” (hàng tốt, giá cao). Căn cứ trên các lý do thẩm mỹ và y học, Paré bác bỏ việc sử dụng bột
xác ướp; ông ta cho rằng thật đáng xấu hổ cho người theo đạo Cơ Đốc mà lại dùng các bài thuốc có xuất
xứ từ xác chết của bọn tà giáo. Càng hoài nghi hơn nữa khi Paré phát hiện ra rằng những thứ thuốc đắt
tiền được rao bán là xác ướp của người Ai Cập thực ra lại được ngụy tạo tại Pháp bằng các xác chết được
làm khô quắt trong lò sưởi và sau đó nhúng trong hắc ín. Nhưng một số thầy thuốc lại khuyến cáo sử
dụng xác ướp để điều trị các vết thương bầm, dập, vì họ nghĩ rằng thứ bột này có tác dụng không cho
máu trong cơ thể đông lại. Những người ủng hộ với việc sử dụng xác ướp để làm thuốc lưu ý các thầy