Ngày nay, chuyên khoa hóa được coi là một dấu hiệu trưởng thành trong sự tiến hóa nghề nghiệp. Tuy
nhiên, trước đây không lâu, “bác sĩ chuyên khoa” như người chữa bệnh mắt, thầy nắn gân, và người lấy
sỏi có nhiều khả năng chỉ là người làm quen tay hơn là các thầy thuốc được đào tạo. Các thầy thuốc được
cấp phép luôn than phiền là bị một lũ các tay thợ dốt nát cạnh tranh. Không phải người dân thường có
học nào cũng đồng ý với cách đánh giá của các thầy thuốc cho rằng có sự khác biệt giữa thầy thuốc và
người chữa bệnh theo kinh nghiệm. Cụ thể, có nhận xét là trong những năm xảy ra dịch hạch, nhiều
người tin rằng phần lớn những gì mà các bác sĩ uyên bác viết ra chỉ mang lại “nhiều khói mù” nhưng “ít
ánh sáng”.
AMBROISE PARÉ VÀ NGHỆ THUẬT PHẪU THUẬT
Dĩ nhiên, sự giáo dục, đào tạo, vị trí xã hội và địa vị pháp lý của các thầy thuốc và phẫu thuật viên thay
đổi khá nhiều tại châu Âu. Nhưng hầu như ở đâu cũng vậy, chiến tranh mang lại cơ hội vàng cho các
phẫu thuật viên xông xáo; chiến trường bao giờ cũng là trường y khoa lớn nhất. Trong một môi trường
như vậy, đã tạo điều kiện cho Ambroise Paré (15101590) vốn là một phẫu thuật viên-thợ cạo không được
học hành, tự đào sâu suy nghĩ, học bằng kinh nghiệm và mang lại niềm kiêu hãnh và phẩm cách cho
nghệ thuật ngoại khoa. Đối với Paré, ngoại khoa là một sứ mệnh thần thánh mặc cho địa vị xã hội thấp
kém của những người hành nghề này. Được người cùng thời đánh giá là người độc lập, hòa nhã, hăng hái
và nhiều tham vọng, Paré khá là trung thực khi thừa nhận rằng những đóng góp lớn của ông cho phẫu
thuật thật ra khá đơn giản và cũng không thật sự độc đáo. Tuy nhiên, quyết tâm muốn tách rời khỏi
truyền thống và can đảm thực hiện những phương pháp đi từ các nhận xét của chính mình đã dẫn tới sự
Phục hưng chung trong ngành phẫu thuật. Khác với các thế hệ trước gồm những người thợ thủ công có
nhiều sáng kiến, Paré và đồng nghiệp có thể bước ra khỏi chốn tối tăm là nhờ ngành in tạo điều kiện cho
họ xuất bản những tài liệu phổ thông bằng tiếng địa phương. Sinh thời, các tài liệu của Paré được sưu tập
và in lại nhiều lần và được dịch ra tiếng Latin, Đức, Anh, Hà Lan và Nhật. Là người luôn sẵn lòng học
hỏi từ các bậc tiền bối thời cổ đại, các thầy thuốc và phẫu thuật viên cùng thời, hoặc thậm chí những lang
băm có một cách điều trị hứa hẹn, nhưng Paré lại là người rất sùng đạo, chỉ thừa nhận có một thẩm
quyền cuối cùng duy nhất.
Không có nhiều thông tin về thời thơ ấu cũng như quá trình đào tạo của Paré. Ngay cả ngày sinh và tôn
giáo của Paré cũng không chắc chắn. Paré ít khi cho biết về việc đào tạo và học việc của mình, chỉ nói
rằng ông đã sống ở Paris 3 năm trong khoảng thời gian 9 hoặc 10 năm ông theo học môn phẫu thuật.
Mặc dù nói rằng tập sự là thời gian để học tập, nhưng học trò lắm khi lại bị các ông thầy lợi dụng thậm tệ
mà quên đi nhiệm vụ phải dạy dỗ. Để có thêm kinh nghiệm thực hành, Paré làm việc tại bệnh viện Hôtel
Dieu, nơi có nhiều dạng bệnh cũng như cơ hội để tham gia làm phẫu nghiệm và trình bày giải phẫu học.
Bệnh viện hoạt động trong điều kiện rất tồi tệ, đến nỗi có một mùa đông nọ, 4 bệnh nhân bị lạnh cóng
đầu mũi và Paré phải làm phẫu thuật cắt mũi.
Các tài liệu về phẫu thuật của Paré cho ta thấy những hình ảnh mạnh mẽ và mủi lòng về những cảnh hãi
hùng của chiến tranh cũng như mô tả các loại vết thương do hỏa khí gây ra không có ở thời Hippocrates
và Galen. Sau một trận chiến, mùi của xác chết thối rữa nồng nặc trong không khí, các vết thương lên
mủ, bốc mùi và đầy giòi bọ. Quá thường gặp các trường hợp thương binh bị chết vì không có gì để ăn và
không ai chăm sóc hoặc vì các phương tiện cứu chữa quá nghèo nàn. Lấy ví dụ, các phẫu thuật viên tin
rằng cách điều trị tốt nhất cho các vết dập nhẹ là nghỉ ngơi, trích huyết, giác hút, và thuốc ra mồ hôi.