người đầu tiên được số hóa. Ngày nay, Dự án Hiển thị Cơ thể Con người của Thư viện Y học Quốc gia
cung cấp ảnh quét và hình ảnh số hóa vô giá các lát cắt dọc của một xác đàn ông và một xác đàn bà.
Các thầy thuốc người Mỹ cũng cố gắng xây dựng một nét riêng về nghề nghiệp qua kiến thức giải phẫu
học. Điều này giúp hình thành một thứ chợ đen xấu xa buôn bán xác chết. Theo gương nước Anh, các
thầy thuốc đã vận động thành công các đạo luật cung cấp xác người nghèo cho các trường y khoa. Nhưng
các câu chuyện đầy tai tiếng về giành giật xác và những trò đùa quái ác trong phòng mổ xác đã làm cho
công chúng phẫn nộ. Những người ủng hộ việc nâng cao chất lượng đào tạo y khoa và phẫu thuật buộc
phải nhắc nhở các nhà làm luật và dân chúng rằng nếu các bác sĩ không thực hành trên xác chết, thì sau
này họ sẽ học nghệ thuật chữa bệnh bằng sự trả giá của các bệnh nhân của họ. Phương châm bằng tiếng
Latin được các Bác sĩ Pháp y và Khoa Bệnh học khắp thế giới thường dùng - “Hic locus est ubi mors
gaudet succurrere vitae” - (Đây là nơi mà người chết sẵn lòng giúp đỡ người sống) - đã nhấn mạnh được
những tri thức mà các thầy thuốc và nhà nghiên cứu đạt được qua việc mổ xác.
Vào đầu thế kỷ 20, môn giải phẫu tổng quát đã là thành phần cơ bản trong chương trình đào tạo của mỗi
trường y khoa tại Mỹ. Vào cuối thế kỷ 20, số giờ dành cho việc đào tạo chính thức về giải phẫu học đã
giảm đi nhiều và tình trạng thiếu giáo viên trở nên quan trọng hơn là vấn đề kiếm cho ra xác để mổ.
Nhiều nhà giáo dục y khoa lập luận rằng các hình quét số hóa và những hình thức trình bày cơ thể con
người dạng ba chiều sẽ đóng vai trò giáo cụ tốt hơn là cách mổ xác truyền thống, mặc dù các mô hình
được chuẩn hóa sẽ bỏ sót những điểm biến thiên của giải phẫu học con người. Những người khác thì
nhấn mạnh rằng việc mổ xác người là một khía cạnh không thể thiếu được để truyền đạt bài học sự ngắn
ngủi của đời người và ý nghĩa khi trở thành thầy thuốc. Nhà giải phẫu học người Pháp Marie François
Xavier Bichat (1771-1802) nhấn mạnh tầm quan trọng khi làm phẫu nghiệm. Ông ta viết “Mở banh một
vài cái xác ra, ngay lập tức anh sẽ xua đi sự tối tăm mà nếu chỉ có quan sát đơn thuần thì không thể làm
được”.
Y HỌC VÀ PHẪU THUẬT
Có ít nhất một điểm quan trọng mà Galen và Vesalius hoàn toàn nhất trí với nhau. Cả hai đều cho rằng y
học và giải phẫu học đã suy đồi bởi vì các thầy thuốc từ bỏ không làm phẫu thuật và mổ xác. Trong suốt
thời Trung cổ, sự khác biệt giữa y học thực hành và lý thuyết đã bị các thầy thuốc thông thái phóng đại,
và do các phân khoa của trường đại học nắm giữ quyền lực cho nên sự căng thẳng này càng thêm trầm
trọng. Để nâng cao phẩm cách của khoa y, các tư tưởng lý thuyết, luận lý và phổ quát có liên quan đến
bản chất con người đều được nhấn mạnh với cái giá phải trả là làm giảm giá trị của các mặt kinh nghiệm
và quá mang tính máy móc của nghệ thuật chữa bệnh. Trong lúc cuộc Cách mạng Khoa học không mang
lại mấy thay đổi trong thực hành y khoa, ngay cả các vị thầy thuốc được đào tạo uyên thâm nhất cũng bắt
đầu tỏ ý hoài nghi. Thay vì thừa nhận những hạn chế của chính mình, các thầy thuốc lại cứ bám lấy cái
ảo tưởng là các quy luật và nguyên tắc của y học là không thể nào sai được, còn các sai sót thì cứ đổ lỗi
cho bệnh nhân và người bào chế thuốc.
Tuy nhiên trong giai đoạn này, người bệnh vẫn còn có thể chọn các dạng thầy thuốc chuyên biệt của một
lĩnh vực nào đó sao cho phù hợp với túi tiền và cách cảm nhận của chính họ về tình trạng bệnh tật của
mình. Có bằng chứng cho thấy người bệnh mong đợi thầy thuốc mà họ thuê đem lại các kết quả đáng kể.
Lấy một ví dụ, trong các hồ sơ Protomedicato, một bộ phận pháp lý của trường Y khoa Bologna, có chứa
hồ sơ những vụ án mà bệnh nhân kiện thầy thuốc đã phá vỡ hợp đồng. Tức là, người thầy thuốc ký kết