thích hợp, chúng sẽ tăng sinh một cách kiên trì và lặng lẽ. Giang mai là một trong 4 bệnh nhiễm
treponema ở người với những đặc trưng lâm sàng khác hẳn nhau; ba bệnh còn lại là: pinta, ghẻ cóc và
bejel. Về mặt vi khuẩn học và miễn dịch học, các tác nhân gây bệnh của 4 bệnh này hầu như tương tự,
nhưng về mặt lâm sàng thì hoàn toàn khác nhau.
Một số nhà vi khuẩn học tin rằng pinta, ghẻ cóc, bejel, và giang mai là các biến thể của một loại xoắn
khuẩn tổ tiên đã thích ứng với các hình thái khác nhau về khí hậu và tập tính của con người. Căn cứ theo
cái thường được gọi là thuyết nhất thể, thì những bệnh nhiễm treponema không phải hoa liễu là những
bệnh cổ xưa lây lan giữa trẻ em với nhau. Khi con người di chuyển sang các khu vực ôn đới và phủ lên
mình quần áo thì sự lây lan không mang tính hoa liễu bị ngăn lại. Với những điều kiện này, khi trở thành
người lớn nhiều người không có được các miễn nhiễm vào các thời kỳ còn sơ khai. Pinta, một bệnh lưu
hành tại Mexico và Trung Mỹ với đặc điểm là nổi ban ngoài da có nhiều màu sắc và mức độ trầm trọng
khác nhau. Cho tới khi Treponema carateum được phát hiện, pinta được xếp vào nhóm các bệnh nấm
ngoài da. Bệnh ghẻ cóc (yaw) do Treponema pertenue gây ra, phát triển mạnh tại những vùng có khí hậu
nóng, ẩm. Giống như giang mai, bệnh ghẻ cóc làm tiêu các mô, xương và khớp. Bejel, còn gọi là bệnh
giang mai không do hoa liễu, thường xảy ra trên trẻ con vùng thôn quê tại những vùng có khí hậu khô,
ấm. Giống như giang mai, bejel có một giai đoạn tiềm phục, và người nhiễm bệnh có thể lây bệnh trong
nhiều năm trời.
Mặc dù có những bước tiến bộ trong việc tìm hiểu những bệnh do nhiễm treponema, các sử gia y học
cũng không đi xa trong việc tìm ra nguồn gốc bệnh giang mai hơn là các giới thẩm quyền y khoa trong
việc thanh toán bệnh lây qua đường tình dục (STD). Các tài liệu đáng tin cậy về bệnh giang mai xuất
hiện đầu tiên vào thế kỷ thứ 16, khi tai họa làm nổi trên da nạn nhân những tổn thương ghê tởm được gọi
dưới nhiều tên. Người Pháp gọi đó là bệnh của người xứ Naples, người Ý gọi đó là bệnh của người Pháp,
và người Bồ Đào Nha gọi là bệnh của xứ Castile. Tại Ấn Độ và Nhật Bản, đó là bệnh của người Bồ Đào
Nha và những tên gọi khác như bệnh Quảng Đông, bệnh đậu mùa lớn, và bệnh dịch hoa liễu (lues
venereum) cũng được sử dụng. Tên gọi giang mai (syphilis) hiện nay là do Girolamo Fracastoro (tiếng
Latin là Fracastorius; 1478-1553) đặt ra. Ông này là một thầy thuốc người Ý, vừa là nhà khoa học, toán
học, chiêm tinh gia, địa chất học và nhà thơ nữa. Trong truyện “Syphilis hoặc bệnh của người Pháp
(1530)”, Fracastoro đưa ra câu chuyện chàng chăn cừu Syphilis, là người gây ra tai họa đầu tiên này khi
nguyền rủa Mặt trời. Để trừng trị con người tội phỉ báng này, Mặt trời chiếu những tia sáng mang bệnh
chết người xuống mặt đất. Syphilis là nạn nhân đầu tiên của bệnh dịch mới này, nhưng tai ách chẳng bao
lâu lại lan rộng ra đến từng làng, từng thành phố và thậm chí đến cả nhà vua nữa.
Việc rà soát bằng chứng lịch sử liên quan đến nguồn gốc của bệnh giang mai cũng giống như đi vào một
mê cung. Nếu chúng ta gộp luôn những suy đoán của Fracastoro và những người cùng thời, và sau đó là
các tác gia y học, chúng ta nắm được nhiều lý thuyết nhưng không có một câu trả lời xác định cho câu
hỏi được nêu ra ở thế kỷ thứ 16: Những nguyên nhân chính gây ra bệnh giang mai là gì? Các nhà chiêm
tinh y học thế kỷ 16 gán nguồn gốc của một tai họa bệnh tình dục mới cho sự hội giao tai ác của ba hành
tinh là sao Mộc, sao Thổ và sao Hỏa vào năm 1485, sự hội giao này tạo ra một thứ độc chất khó thấy đã
lan truyền ra khắp vũ trụ, và tuôn ra một trận dịch kinh khiếp trên khắp châu Âu. Các đồ đệ của khoa
chiêm tinh ngày nay vẫn còn cho rằng thuyết này chưa bao giờ bị gạt bỏ, nhưng có những thuyết hợp lý
hơn về mặt khoa học vẫn còn được tranh luận sôi nổi.