DNA kỷ Băng hà có thể giải quyết xong sự bàn cãi về lý lịch của những người đầu tiên đi đến châu Mỹ.
Vào cuối thế kỷ 20, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng di truyền cho biết có những đợt di dân độc
lập từ châu Á, Đa đảo, và thậm chí Tây Âu. Tuy nhiên, bằng chứng đi từ đồ tạo tác, hài cốt của người và
thậm chí DNA của người cũng vẫn còn mơ hồ. Không rõ con người đi đến châu Mỹ lần đầu tiên vào lúc
nào, nhưng những đợt di dân đáng kể từ lục địa Á-Âu có lẽ đã dừng lại khi eo đất nối giữa Alaska và
Siberia biến mất, khiến cho nhiều nhóm dân châu Mỹ bị tách biệt ra khỏi phần còn lại của thế giới. Tính
đồng nhất tương đối về di truyền của thổ dân châu Mỹ có lẽ đã ảnh hưởng đến đáp ứng của họ khi gặp
các tác nhân gây nhiễm trùng của Cựu Thế Giới. Lấy ví dụ, sự phân bố các nhóm máu ở châu Mỹ không
biến thiên nhiều như tại lục địa Á-Âu.
Do không biết rõ về kiểu thức những đợt di cư đầu tiên cho nên kết quả là cũng không biết rõ về dạng
bệnh tật nào đã thịnh hành tại Tân Thế Giới thời tiền sử. Các học giả cho biết là cuộc di cư qua eo biển
Bering vào châu Mỹ đã đóng vai trò như một “bộ lọc lạnh” sàng lọc đi nhiều tác nhân gây bệnh và côn
trùng, nhưng điều này không có nghĩa là châu Mỹ trước thời Columbus là một vườn Địa đàng không hề
có bệnh tật. Tuy nhiên, khắp phần lớn châu Mỹ, do mật độ dân số được coi là quá thấp đến mức không
thể nào duy trì vô tận chu kỳ các bệnh gây dịch và bệnh ở trẻ em vốn thường gặp tại các vùng đô thị của
Cựu Thế Giới. Dĩ nhiên, có những cây cỏ và loài bò sát có nọc độc, cũng như các côn trùng và tiết túc có
thể đóng vai trò vectơ truyền bệnh. Những bệnh hầu như chắc chắn đã hiện diện tại châu Mỹ trước năm
1492 bao gồm viêm khớp, ung thư, bệnh nội tiết, bệnh thiếu chất dinh dưỡng, loãng xương, ký sinh trùng
đường ruột, lỵ, viêm phế quản, viêm phổi, lao, những bệnh gây sốt do virus và rickettsia, ghẻ cóc, bệnh
Carrion (do nhiễm Bartonella bacilliformis), bệnh ruồi cát (leishmaniasis) châu Mỹ và bệnh Chagas. (Ký
sinh trùng Trypanosoma cruzi gây bệnh Chagas ở người qua trung gian truyền bệnh là bọ xít hút máu
Triatominae. Diễn biến lâm sàng của bệnh khó trị này rất biến thiên, nhưng có thể gây tổn thương cho
gan, lách và tim. Tác nhân gây bệnh và cách lây truyền được nhà khoa học người Brazil là Carlos Chagas
(1879-1934) phát hiện. Các nhà dịch tễ học ước tính có khoảng 18 triệu người tại châu Mỹ Latin bị
nhiễm bệnh Chagas, mỗi năm có khoảng 50.000 người chết vì bệnh này). Không tính được tỷ lệ mắc lao
tại châu Mỹ thời tiền Columbus, nhưng những nghiên cứu trên xác ướp ở Peru phát hiện bằng chứng lao
phổi, cũng như sán dây, giun kim và giun đũa.
Các vi sinh vật gây nhiễm trùng vết thương, nhọt, viêm họng và ngộ độc thức ăn chắc chắn là khá phổ
biến. “Sốt” chắc chắn là những bệnh lưu hành tại châu Mỹ, nhưng tình hình bệnh sốt rét và sốt vàng thời
tiền Columbus còn chưa rõ. Nhiều bệnh gây sốt tại địa phương do các vi khuẩn và ký sinh trùng chắc
chắn đã được lây truyền qua muỗi, con ve, ruồi, bọ chét và bọ xít. Lấy ví dụ, bệnh sốt đốm vùng núi
Rocky Mountain, do một tác nhân gây bệnh đặc thù Rickettsia rickettsii chỉ thấy ở châu Mỹ. Những bệnh
khác ở châu Mỹ có tỷ lệ tử vong cao - như sốt Colorado do con ve, viêm não St. Louis, viêm não ngựa
miền Tây, và viêm não ngựa miền Đông - đều do Arbovirus (virus truyền bệnh qua trung gian của loài
tiết túc như muỗi và con ve) đều có ổ chứa ở loài bò sát, chim và động vật có vú.
Bệnh tả, dịch hạch, đậu mùa, sởi, sốt tinh hồng nhiệt, sốt rét, sốt chấy rận, sốt thương hàn, cúm và có lẽ
bệnh lậu và phong đều không có mặt trước khi thổ dân tiếp xúc với người Âu. Thậm chí ta cũng không
biết rõ về những thứ ký sinh vật nào có nguồn gốc tại Tân Thế Giới. Trong nhiều bệnh gây dịch và lưu
hành, thì các trung gian truyền bệnh chẳng hạn như côn trùng, loài tiết túc và loài gặm nhấm đều đóng
vai trò quyết định trong việc phân bố và lan truyền bệnh. Con ve, kiến đốt, muỗi, ruồi, rận, ruồi nhuế