quân y Pháp. Ngày đầu bệnh nhân được cho uống một lượng lớn dầu thầu dầu (castor oil), nhiều liều
calomel, trong lúc hai thái dương được đặt những con đỉa đề hút máu. Ngày thứ hai ngoài một liều lớn
calomel, bệnh nhân bị trích máu bằng con đỉa và dao chích. Ngày thứ 3, bệnh nhân được thụt tháo nhiều
lần và uống 25 giọt cồn thuốc phiện (laudanum) trước khi chết.
William Cobbett (1763-1835), một nhà báo và nhà cải cách xã hội người Anh, đã đem Rush làm đề tài
chế nhạo trong các bài phúng thích của mình. Khi sống tại Philadelphia, Cobbett (còn có tên là Peter Con
Nhím) đã ra một tờ báo tên là Công báo Con nhím. Giống như Rush và Jefferson, Cobbett ca tụng đời
sống thôn dã truyền thống và phàn nàn là Cách mạng công nghiệp đã mang lại sự bần cùng và sa đọa.
Nhưng riêng về nghề y, thì Cobbett và Rush là kẻ thù không khoan nhượng. Căn cứ trên các nghiên cứu
về trận dịch sốt vàng tại Philadelphia, Cobbett khẳng định rằng Rush đã có một ham mê bất thường khi
rút máu người và nhiều bệnh nhân của ông này thực ra đã chết vì bị mất máu. Theo Cobbett, phương
pháp của Rush là “một trong những phát kiến lớn nhất góp phần làm giảm dân số trên thế giới”. Đáp lại,
Rush kiện Cobbett vì tội phỉ báng. Không có gì ngạc nhiên, khi tòa án Mỹ ưu ái người anh hùng cách
mạng, và xử Rush thắng kiện, buộc Cobbett bồi thường 5.000 đô la.
Thất kiện vì tội phỉ báng không bịt được miệng Cobbett, ông này rêu rao rằng cái chết của George
Washington (1732-1799) đúng ngay vào ngày Rush hể hả thắng lợi pháp lý là một ví dụ tuyệt vời của
việc làm cho chảy máu đến chết “hết sức phù hợp với tay nghề của Rush”. Sau vụ kiện, Cobbett tung ra
một tờ báo mới với mục đích cụ thể là tấn công các phương pháp của Rush, nhưng sau đó ông ta quay về
Anh quốc xuất bản một tờ báo chuyên về cải cách xã hội và nghị trường. Các phương pháp về giáo dục
đương thời cũng bị Cobbett khinh bỉ hết mực. Ông than phiền là nhiều năm tươi đẹp nhất trong thời trai
trẻ đã “dành hết vào việc học những thứ không hề có chút gì hữu ích cho nhân loại”.
Mặc dù không thể chẩn đoán chắc chắn chứng bệnh cuối cùng của George Washington, có lẽ đó là viêm
họng do nhiễm liên cầu, tụ cầu hoặc phế cầu. Nhằm chứng minh rằng những thứ gì làm được trong y học
đều đã được làm, các y sĩ của Washington đã công bố một bản báo cáo về cái chết của ông này trên báo
chí. Các bác sĩ James Craik và Elisha C. Dick cho rằng Washington bị bệnh là do dầm mưa khi cưỡi
ngựa trên đồi Vernon. Lên cơn sốt run dữ dội, đau họng và sốt do chứng bệnh mà các bác sĩ gọi là
cynanche trachealis, Washington cho rằng cần phải trích huyết. Một thợ trích huyết địa phương trích ở
cánh tay người bệnh từ 12 đến 14 ounce (= 0,4 lít) máu. Ngày hôm sau, bác sĩ điều trị sợ rằng “bệnh sẽ
chuyển biến nặng” nên đã làm thêm hai lần trích huyết hào phóng nữa, làm rộp cổ họng, tẩm ướt người
bệnh với muối thủy ngân (calomel) và cho bệnh nhân thụt tháo trước khi hai thầy thuốc tham vấn đến
tham gia điều trị. Thấy bệnh chưa đỡ, các thầy thuốc làm thêm một lượt trích huyết khoảng 32 ounces
máu (= 0,95 lít) và tẩm thêm calomel, thuốc gây ói, hơi xông nước trộn dấm. Dù được điều trị “tận tình”
với thuốc làm rộp da đắp lên các chi và đắp cám với dấm vào cổ họng, người bệnh “lìa đời không chút
vật vã”.
Trong suốt mùa hè năm 1793, Philadelphia bị quấy nhiễu bởi từng đàn lớn toàn là muỗi cũng như một
lượng rác rưởi hôi thối trên đường phố, ngõ hẻm và bến tàu. Các bác sĩ dự đoán là số “bệnh sốt mùa thu”
sẽ tăng lên. Nhận thấy một số lượng lớn muỗi mòng trong thành phố, Rush cho rằng đây là một dấu hiệu
khác cho biết bầu không khí không lành mạnh. (Vai trò của muỗi trong việc phát tán bệnh sốt vàng chỉ
được Walter Reed (1851-1902) và cộng sự thuộc Ủy ban Sốt vàng của Quân đội Mỹ chứng minh vào đầu
thế kỷ 20). Ngay khi xuất hiện một vài ca nghi ngờ, Rush cảnh báo nhà cầm quyền rằng sốt vàng đã quay
trở lại Philadelphia kể từ lần đầu năm 1762. Khi số tử vong tăng vọt, hàng ngàn cư dân bỏ chạy khỏi