LỊCH SỬ Y HỌC - Trang 301

Có lẽ John Clinch, thầy thuốc đồng thời là tu sĩ định cư tại vùng Newfoundland thực hiện chủng đậu đầu
tiên tại Bắc Mỹ. Clinch và Jenner kết bạn khi cùng học tại nước Anh. Năm 1800, một người cháu của
Jenner, Bác sĩ - cha cố George Jenner, đã gởi những “sợi chỉ có tẩm chất dịch đậu mùa” cho Clinch. Các
thầy thuốc tại Cincinnati, Lexington, St. Louis, và các cộng đồng khác chắc hẳn đã nhận các mẫu
vaccine đậu bò trong những thập niên đầu của thế kỷ 19. Lấy ví dụ, BS Antoine François Saugrain de
Vigny (1763-1820), đã đưa vaccine đến St. Louis năm 1809, chỉ 8 năm sau một vụ dịch đậu mùa bùng nổ
tại thành phố này. Ngay từ năm 1800, bà con của Saugrain tại Pháp đã chuyển cho ông ta các báo cáo về
vaccine và thúc dục ông chủng cho mấy đứa con của mình. Đến tháng 6 năm 1809, Saugrain đưa một
thông báo trên tờ Missouri Gazette để thông báo cho độc giả biết là mình đã được “nhiễm vaccine thứ
thiệt”. Sau khi tiêm chủng thành công cho gia đình mình và những người khác, ông ta cảm thấy cần phải
“chia sẻ rộng rãi ân sủng này” và thông báo cho các thầy thuốc và những người khác là vaccine có sẵn.
Ông cũng sẵn sàng tiêm miễn phí cho người nghèo và người da đỏ.

Người ủng hộ việc chủng đậu bò nhiệt thành nhất tại Mỹ trong nửa đầu thế kỷ 19 là Benjamin
Waterhouse (1754-1846). Sinh ra tại Newport, Rhode Island, Waterhouse học nghề y với một thầy thuốc
nổi danh vùng Newport là John Halliburton. Giống như nhiều bác sĩ Mỹ có tham vọng khác, Waterhouse
tiếp tục theo học y khoa tại London, Edinburgh, và Leiden. Sau khi có bằng bác sĩ, Waterhouse quay về
Newport và mở một phòng mạch tư. Ông ta cũng dạy lịch sử tự nhiên và thực vật học ứng dụng tại
Trường Rhode Island (sau này là đại học Brown). Về sau, Waterhouse trở thành giáo sư đầu tiên của bộ
môn Lý thuyết và thực hành y học tại trường Y khoa Harvard mới được thành lập. Ngoài các công trình
về bệnh đậu bò, Waterhouse còn giảng dạy về lịch sử tự nhiên, giúp thành lập Vườn Bách thảo tại
Cambridge, và xuất bản rất nhiều sách và tiểu luận, trong đó có ‘Sự hình thành, phát triển và hiện trạng
của Y học
(1792), Một viễn cảnh thanh toán bệnh đậu mùa (phần 1, 1800; phần 2, 1802) và Nhà thực vật
học
(1811)’.

Mặc dù Waterhouse không phải là người đầu tiên thực hiện việc chủng đậu bò tại Bắc Mỹ, nhưng ông ta
là người đầu tiên làm cho công chúng và cộng đồng y khoa chú ý. Thật vậy, William H. Welch (1850-
1934), một nhà bệnh lý học xuất sắc và một trong những người sáng lập trường Y khoa John Hopkins, đã
gọi Waterhouse là “Jenner của nước Mỹ”. Ngay từ năm 1799, Waterhouse đã nhận được từ một người
bạn một bản Nghiên cứu của Jenner. Dưới tiêu đề “Một sự việc kỳ lạ trong ngành Y”, Waterhouse đã
công bố một ghi chú ngắn về việc chủng đậu bò trên tờ Columbian Centinel tại Boston và kêu gọi các
trại chủ nuôi bò sữa cung cấp thông tin về sự hiện diện của bệnh ‘‘đậu bò’’ trên đàn gia súc của họ. Sau
nhiều cố gắng tốn công sức để lấy được vaccine hoạt tính, Waterhouse lấy được một mẫu vào tháng 7
năm 1800 và bắt đầu thử trên chính con cái và đầy tớ của mình. Mặc dù sau này bị công kích là đã tìm
cách chiếm độc quyền việc chủng đậu tại Mỹ, nhưng Waterhouse đã gởi một số vaccine của ông cho
Thomas Jefferson, để ông này tiêm chủng cho toàn bộ gia đình của mình. Trong một bức thư gởi cho
Jenner năm 1806, Jefferson tiên đoán: “Các thế hệ tương lai khi đọc lịch sử sẽ biết rằng bệnh đậu mùa
ghê tởm đã tồn tại và chính nhờ ngài mà nó bị tiêu diệt”. Mặc dù tiên đoán này chỉ trở thành hiện thực
vào thập niên 1970, nhưng Jefferson đã khởi động một quá trình thông qua sự làm gương và ủng hộ của
mình.

Những tranh luận về tính an toàn và hiệu quả của các loại vaccine dự phòng đã diễn ra sôi nổi kể từ khi
có các thí nghiệm đầu tiên về cấy ngừa đậu mùa và chủng đậu bò, xảy ra nhiều năm trước khi môn vi
trùng học và miễn dịch học ra đời. Nhiều luận cứ về tiêm chủng đậu bò thiên về cảm tính hơn là lý luận

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.