toán tại Tây và Trung Phi đã gặt hái thành công. Trong giai đoạn triển khai chiến dịch toàn cầu, các
chuyên gia y tế công cộng đã học cách thay đổi chiến thuật sao cho phù hợp với từng thử thách.
Lúc đầu, chiến lược thanh toán bệnh đậu mùa đề nghị sử dụng súng tiêm chủng qua da (jet immunization
guns) để có thể chủng hàng trăm liều trong một giờ. Để thanh toán bệnh đậu mùa tại một nước nhỏ nào
đó, các nhà dịch tễ học cho rằng cần phải tiêm chủng từ 80 đến 100% dân số. Các chuyên gia y tế công
cộng sau đó gặp phải những khó khăn hầu như không thể nào vượt qua được khi phải bảo quản số
vaccine và súng tiêm thuốc trong các điều kiện sơ khai tại các vùng có khí hậu nóng và ẩm. Một trang bị
đơn giản hơn, giống như một cái kim có hai ngạnh chứng tỏ hữu hiệu và đáng tin cậy hơn. Do không có
đủ nhân viên và trang bị tại vùng phía đông Nigeria, các chuyên gia y tế công cộng đã phát hiện, hầu như
tình cờ, một chiến lược gọi là “giám sát-kiềm chế” có thể chặt đứt chuỗi lây truyền đầy hiệu quả. Bằng
cách tập trung các nguồn lực ít ỏi vào những nơi bệnh hoành hành nhiều nhất, chiến lược mới này đã đạt
được thành công ngay cả khi chỉ có 50% dân số được tiêm chủng. Vào tháng 10 năm 1977, Ali Maow
Maalin tại Somalia trở thành người cuối cùng mắc phải bệnh đậu mùa ngoài phòng thí nghiệm. Trường
hợp này có thể gây nên tai họa cho chương trình kiềm chế. Maalin là đầu bếp trong một bệnh viện thành
phố có nhiều bệnh nhân và bệnh của anh ta lúc đầu tiên bị chẩn đoán sai là sốt rét sau đó là thủy đậu
(chicken pox). Trong suốt giai đoạn lây nhiễm nhất của bệnh, Maalin đã lây cho trên 160 người tiếp xúc,
nhưng không có ca bệnh đậu mùa nào xảy ra.
Mặc dù các động cơ nhân đạo không hề vắng mặt trong quyết định tuyên bố cuộc chiến toàn cầu chống
lại bệnh đậu mùa, nhưng rõ ràng là các yếu tố kinh tế đóng vai trò quan trọng khi chọn lựa mục tiêu này.
Thanh toán bệnh đậu mùa trên quy mô toàn cầu tiêu tốn hàng tỷ đôla, nhưng, khi thanh toán được bệnh,
các nước tài trợ cho chiến dịch không còn phải lo sợ mối đe dọa của các ca bệnh được du nhập, không
cần phải áp đặt các nguy hiểm vì chủng đậu cho chính người dân trong nước. Đối với các nước đang phát
triển, sốt rét và những thứ gọi là bệnh nhiệt đới tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn là bệnh đậu mùa.
Đa số các nạn nhân mắc đậu mùa hoặc là chết hoặc hồi phục trong vòng vài tuần lễ, và tại những nơi
bệnh đậu mùa lưu hành, thì đây chỉ là một trong rất nhiều thứ bệnh của con nít. Ngược lại, sốt rét là một
bệnh gây hao mòn, phát đi phát lại, làm giảm sức đề kháng đối với các bệnh khác, giảm sức sản xuất và
giảm tỷ suất trẻ sinh sống.
Trong báo cáo kết luận tháng 12 năm 1979 của Ủy ban Toàn cầu chứng nhận Thanh toán bệnh đậu mùa
đã long trọng tuyên bố rằng: “Thế giới và các con dân thế giới từ đây không còn mắc bệnh đậu mùa
nữa”. Khi chương trình thanh toán chấm dứt, Tổ chức Y tế thế giới và một số nước đã dự trữ riêng đủ
vaccine phòng đậu mùa cho khoảng 60 triệu người và một nguồn cung cấp virus vaccinia có thể sử dụng
để làm vaccine. Trong những năm 1980, việc chủng đậu bò hầu như bị bãi bỏ trên khắp thế giới, ngoại
trừ một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu các virus vaccinia
hoặc các loại poxviruses. Tại Mỹ, việc chủng thường xuyên đậu bò cho trẻ em đã chấm dứt từ năm 1972;
bên quân đội còn khuyến cáo chủng đậu mãi đến cuối thập niên 1980. Khi tả lại việc hoàn tất thành công
của Chương trình Thanh toán bệnh đậu mùa, Donald A. Henderson, giám đốc của Chương trình Thanh
toán từ năm 1966 đến 1977, đã đề ra một bước hợp lý kế tiếp: những gì học được từ chiến dịch thanh
toán bệnh đậu mùa sẽ là cơ sở cho các chương trình tiêm chủng toàn cầu để phòng chống bệnh bạch hầu,
ho gà, uốn van, sởi, liệt mềm cấp và bệnh lao. Những chiến dịch toàn cầu như thế có thể làm biến đổi sứ
mạng của ngành y tế “từ y học điều trị dành cho người giàu thành y học dự phòng cho mọi người”.