năm, phương pháp và chất lượng công việc thợ ướp xác có thay đổi, nhưng phương pháp cơ bản hầu như
không thay đổi.
Việc làm khô cái xác có thể thực hiện bằng các kỹ thuật được dùng để bảo quản thức ăn và da thú sống
chẳng hạn như cách muối cá hoặc muối dầm rau quả. Có lẽ cũng có một số trở ngại về thẩm mỹ khi bảo
quản thi thể các Pharaoh giống như cách dầm muối. Một phương thức bí mật và kỳ bí chắc chắn sẽ bảo
đảm cho một lộ trình tốt đến cõi vĩnh hằng. Thay vì dùng cát khô, nóng hoặc nước muối có dấm, thợ ướp
xác sử dụng bột muối nở (natron), là một hỗn hợp tự nhiên nhiều loại muối, làm chất làm khô và họ lấy
đi các tạng dễ bị thối rữa nhanh. Quả tim, vốn được coi như là “trung tâm của trí tuệ” được để nguyên
bên trong cơ thể.
Herodotus để lại nhiều tài liệu được biết tới về cách ướp xác, nhưng ý kiến của ông này chứa nhiều điểm
đáng ngờ và chỉ đề cập đến giai đoạn sau, có thể đã suy đồi, của kỹ thuật này. Theo Herodotus có ba
phương pháp ướp xác thay đổi tùy theo giá cả và có bao gồm toàn bộ xác hay không. Theo quy trình
“hạng nhất”, thì thợ ướp xác sẽ moi lấy não bộ bằng một cái móc sắt qua lỗ mũi. Ruột thì lấy qua một
đường cắt bên hông, ổ bụng được rửa bằng rượu cọ và hương thơm, sau đó nhét vào bụng những loại
hương liệu, và cái xác bị móc ruột đó được ngâm trong natron trong vòng 70 ngày. Khi quá trình ướp
hoàn tất, người ta đem rửa cái xác, lấy vải len mềm quấn lại, bôi nhựa lên rồi cho vào một hòm gỗ mang
dạng hình người. Nếu được yêu cầu cách ướp xác tiết kiệm hơn, thì thợ ướp xác sẽ bỏ qua công đoạn
móc lấy não bộ và móc ruột. Thay vào đó, họ bơm vào bụng một lượng “dầu bách hương” qua đường
hậu môn và sau đó ướp xác bằng natron. 70 ngày sau, họ rút nút chặn ở hậu môn và tháo dầu có lẫn các
phủ tạng phân rã ra ngoài. Cái xác giờ đây chỉ còn có da và xương, được trả lại cho thân nhân. Người
nghèo hơn có thể mong chờ một cách tháo thụt đơn giản để làm sạch ổ bụng và sau đó ướp xác trong 70
ngày.
Rõ ràng là Herodotus đã nhầm lẫn một vài chi tiết trong quy trình ướp xác. Những nguồn tài liệu khác
cho thấy rằng thợ ướp xác sử dụng dầu cây bách xù (juniper) thay vì dầu bách hương và toàn bộ quy
trình ướp xác mất 70 ngày, nhưng trong đó có 40 ngày dành cho việc làm kiệt nước của cái xác bằng
cách nhét bên trong và chèn bên ngoài các bao chứa bột muối nở dạng viên nhỏ. Đôi khi, thợ ướp xác
dùng tới các phương thức đơn giản hơn, không thèm moi các tạng và nhét vào đó hành và tỏi thay vì các
chất bảo quản có mùi thơm đúng cách. Trên nhiều xác ướp cũng thấy được tay nghề kém và sự gian lận
trắng trợn với các phủ tạng bị cắt xẻo bầy hầy, xương bị mất hoặc bị gãy, và hài cốt của động vật hoặc
những mảnh gỗ được nhét vào cho đầy. Các nhà hóa học đã cố tái tạo và phân tích thành phần của những
chất bảo quản thời xa xưa. Một số nhà khoa học tin rằng người ta dùng một chiết xuất của gỗ bách hương
bởi vì gỗ bách hương có chứa chất guaiacol mà dầu cây bách xù không có. Các nhà hóa học có thể so
sánh các xác ướp có dầu bách hương với những mẫu xác khác không sử dụng vật liệu ướp xác. Dầu bách
hương ngăn được sự phát triển của vi khuẩn và rất hiệu quả để bảo quản các mô động vật.
Một trong những cách sử dụng kỳ dị nhất vào thời Trung cổ với xác ướp Ai Cập là cách đem nghiền xác
ướp thành bột để đắp chữa các vết thương và máu bầm. Đến cuối thế kỷ 16 “bột xác ướp” được bán ở tất
cả các tiệm thuốc ở châu Âu. Cái khôi hài khi chế tạo thuốc bằng cách phá hủy hài cốt mong có một cuộc
sống vĩnh cữu đã được một thầy thuốc người Anh, Thomas Browne (1605-1682) tác giả bộ Religio
Medici (1642), ghi nhận. Ông này nhận xét là các xác ướp được thời gian và những nhà chinh phục thời
trước “cất giữ thì nay lại được tiêu thụ. Xác ướp đã trở thành hàng hóa... và Pharaoh bị bán làm thuốc
cao”.