LỊCH SỬ Y HỌC - Trang 423

CÁC VI SINH VẬT VÔ HÌNH VÀ KHOA VIRUS HỌC

Nhiều năm trước khi các nhà khoa học có thể xác định bản chất của các virus chuyên biệt, thì các bệnh
do virus-đậu mùa và bệnh dại-đã cung cấp những ví dụ mang nhiều ý nghĩa và đầy ấn tượng về khả năng
của việc tiêm chủng dự phòng. Do ý nghĩa của từ virus trong tiếng Latin đã thay đổi nhiều lần qua 2000
năm sử dụng, cho nên người đọc hiện đại có thể sẽ bối rối khi tìm thấy từ này trong các tài liệu cổ xưa.
Nghĩa đầu tiên và phổ quát nhất của virus là một cái gì đó khó chịu, nhưng không nhất thiết phải gây
nguy hiểm. Tuy nhiên, các tác giả Latin về sau càng sử dụng nhiều hơn từ virus với hàm ý chất độc hoặc
nọc độc, một cái gì đó đe dọa sức khỏe, hoặc một tác nhân lây nhiễm bí hiểm, chưa biết. Vì vậy cả
Celsus (khoảng năm 14-37) và Louis Pasteur có thể đều đã nói đến virus bệnh dại. Các học giả thời
Trung cổ thường dùng từ virus theo ý là một chất độc. Trong các chuyên luận y học vào thế kỷ 16 và 17,
các dịch giả thường thay thuật ngữ virus trong tiếng Latin bằng từ nọc độc trong tiếng Anh. Các tác giả
thế kỷ 17 nhắc tới một thứ virus gây dịch (virus pestiferum hoặc virus pestilens) khi bàn luận về bệnh
truyền nhiễm. Các tác giả y học thế kỷ 18 áp dụng thuật ngữ virus cho chất lây nhiễm làm lây truyền một
chứng bệnh truyền nhiễm, như trong phần bàn luận của Edward Jenner về “virus bệnh đậu bò” trong dịch
mủ làm lây truyền bệnh này. Đối với các tác giả y học vào đầu thế kỷ 19, virus đại diện cho những nguồn
gốc chưa rõ đóng vai trò gây bệnh trong các bệnh truyền nhiễm. Chính sự mập mờ của thuật ngữ này đã
làm cho nó trở nên hấp dẫn đặc biệt.

Sau khi thuyết bệnh là do vi trùng có chỗ đứng vào cuối thế kỷ 19, thì từ virus được sử dụng theo nghĩa
chung là “một tác nhân có tính chất truyền nhiễm”. Khi các tác nhân truyền nhiễm đi qua lọc dưới mức
độ hiển vi được phát hiện trong thập niên 1890, thuật ngữ virus mới được áp dụng cho những thực thể bí
hiểm đó. Ngay cả khi không tìm ra tác nhân gây bệnh của một bệnh truyền nhiễm, Pasteur cũng cho rằng
“Mỗi virus là một vi sinh vật”. Khi suy đoán về những nguyên nhân còn chưa biết của nhiều bệnh truyền
nhiễm, Koch cho rằng có thể sau này sẽ tìm ra những sinh vật gây bệnh khác hẳn với vi trùng. Những tác
nhân ngoại lệ đã được biết của thời đó đều lớn hơn vi khuẩn, nhất là các nguyên sinh vật gây ra bệnh sốt
rét, nhưng về mặt lý thuyết thì không có lý do gì để loại bỏ sự tồn tại của ký sinh vật nhỏ hơn. Tuy nhiên
trong số các nhà vi sinh học, những người tôn trọng các định đề của Koch, có người có thể đã ngăn cản
ngành virus học, cũng như ngành nguyên sinh vật, bởi vì hầu như không thể nào cấy được các thực thể
đó trên các môi trường nhân tạo. Bản thân Koch cũng không cho phép học thuyết vi trùng học ngăn cản
công trình của mình về y học nhiệt đới ngay cả khi không thể cấy các vi sinh vật trong phòng thí nghiệm.

Vào cuối thế kỷ 19, các kỹ thuật vi sinh học đã đủ phát triển để giúp cho các nhà khoa học phát biểu một
cách tự tin rằng một số bệnh là do vi trùng hoặc nguyên sinh vật chuyên biệt gây ra. Tuy nhiên, một số
tác nhân truyền nhiễm của một số bệnh vẫn không thể nào phân lập được bằng các kỹ thuật quy ước. Sau
này, các tác nhân gây bệnh tuy lạ, nhưng vẫn có thể nhìn thấy được (như rickettsias, chlamydias,
mycoplasmas, và bru cellas) gia nhập hàng ngũ những tác nhân cổ điển như vi nấm, vi trùng và nguyên
sinh vật. Vì lý do một số các tác nhân gây bệnh mới có vòng đời phức tạp và khó nuôi cấy in vitro, cho
nên dường như một số trong nhóm này có thể là tác nhân gây bệnh của nhiều bệnh truyền nhiễm nhưng
chưa được phát hiện.

Vì vậy, vào đầu thế kỷ 20, thuật ngữ virus thường chỉ giới hạn cho lớp vi sinh vật “chui qua màng lọc -
không thấy được”. Những vi sinh vật như thế được định nghĩa về mặt thao tác là khả năng chui qua
màng lọc vốn giữ lại vi trùng và không thể thấy được bằng kính hiển vi quang học. Tiêu chuẩn chui qua
lọc là kết quả của công trình do Charles Chamberland (1851-1908), cộng sự của Pasteur, thực hiện.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.