diện trong nước biển và nước lợ, tại những nơi này có thể tìm thấy chúng trong loài sò, nhuyễn thể và
phù phiêu sinh vật. Cholera vibrio được tìm thấy trong nước thải chưa xử lý tại nhiều đô thị thuộc bang
Louisiana, và nhiều trường hợp tả được truy nguyên là do ăn sò sống và cua hấp. Biến đổi khí hậu toàn
cầu có thể ảnh hưởng đến sự phân bố của Vibrio cholera. Những thay đổi nhiệt độ đại dương tác động
đến sự bùng nở của nhiều loại phù phiêu và mỗi lượt bùng nở kéo theo các vụ bộc phát dịch tả.
Bệnh tả vẫn còn là mối nguy hiểm tại nhiều nơi trên thế giới. Có lẽ chúng ta không hề biết được tầm vóc
thực sự của vấn đề bởi vì các chính phủ muốn liệt kê các trường hợp tử vong do tả vào nhóm ngộ độc
thực phẩm, viêm dạ dày ruột, cúm thể tiêu hóa, hoặc những uyển từ như “bệnh tiêu chảy”. Trong thập
niên 1990, nhiều vụ dịch khá lớn đã bộc phát tại Nam Mỹ, chủ yếu tại các khu vực thôn quê, nghèo khó
của Peru. Tuy nhiên, một số trường hợp có liên quan đến thực phẩm phục vụ trên máy bay, một lần nữa
lại chứng tỏ rằng bất kỳ bệnh nào bất kỳ ở đâu chỉ cần một chuyến bay là được mang đến một vùng khác
trên địa cầu.
Mặc dù người ta đã biết rõ về phẩy khuẩn tả về mặt khoa học trên các khía cạnh như bộ gene, độc tố của
nó, nhưng đến cuối thế kỷ 20, bệnh tả vẫn còn là mối đe dọa cho hàng trăm ngàn người sống tại các nước
đang phát triển. Mỗi năm có đến 300.000 người sống tại đây mắc bệnh tả. Năm 2000, các nhà khoa học
phát hiện rằng Vibrio cholera dường như dễ lây nhiễm hơn khi qua đường ruột của người, điều này càng
làm phức tạp hơn những cố gắng muốn phát triển một loại vaccine đi từ các môi trường nuôi cấy trong
labô. Chủng khuẩn tả phân lập từ phân của bệnh nhân tại Bangladesh sau một vụ dịch có tính lây nhiễm
cao từ 10-100 lần hơn các chủng trong phòng thí nghiệm khi tiêm vào chuột nhắt.
Dù rằng được khử trùng bằng chlor, nhưng nguồn nước sử dụng tại nhiều vùng đông đúc dân cư trên thế
giới có lẽ còn tệ hơn nguồn nước đã được John Snow nghiên cứu. Trong các mẫu nước lấy tại Karachi
(Pakistan) năm 2004, người ta tìm thấy các loại vi sinh vật như campylobacter, E. coli, shigella, giardia,
rotavirus, viêm gan A, viêm gan E. Trong thập niên 1950, dân số Karachi chỉ vào khoảng 435.000; năm
2002 con số này là 14 triệu.
Nếu Pettenkofer mà khảo sát được tình hình những bệnh truyền theo đường nước tại nhiều nơi trên thế
giới ngày nay, hẳn ông ta sẽ biện minh cho học thuyết vệ sinh môi trường rằng sự vấy nhiễm, nghèo khó
và thiếu các điều kiện vệ sinh là những yếu tố quan trọng nhất trong việc phát sinh và phát tán bệnh gây
dịch. Tuy vậy, dù rằng giữa Pettenkofer và Koch có mối xung đột bề ngoài giữa thuyết chướng khí và
thuyết bệnh là do vi trùng, cả hai thầy thuốc đều theo đuổi ý tưởng cho rằng nghiên cứu khoa học về vấn
đề vệ sinh sẽ tạo được một tác động to lớn và có ích trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm.
Tuy nhiên, chính công trình của Pasteur, Koch và học trò của họ, đặt nền tảng trên môn vi sinh, hoặc
“cẩm nang của vi trùng” đã dấy lên sự quan tâm về vấn đề vệ sinh công cộng và cá nhân và vấn đề cải
cách vệ sinh môi trường.
Một số sử gia cho rằng thuyết bệnh là do vi trùng và ngành vi sinh y học đã không chú ý đến các căn
nguyên thực sự của bệnh trong lĩnh vực kinh tế xã hội, ngược lại còn thêm sức cho chủ nghĩa tư bản
công nghiệp, phân biệt chủng tộc và quy tội cho các nạn nhân về mặt đạo đức. Chắc chắn rằng, sự nghèo
khó, nhà cửa chật chội, vệ sinh môi trường kém và thiếu cơ hội tiếp cận chăm sóc y tế đều liên quan tới
gánh nặng bệnh tật về cả hai phía xã hội và cá nhân. Dù vậy, quan điểm của các nhà vi sinh và dịch tễ là
để có bệnh thì nhất định phải có vi sinh vật gây bệnh.