LỊCH SỬ Y HỌC - Trang 420

Mary Mallon (1870?-1938), hay “Mary thương hàn” là một hình mẫu trong lịch sử y tế công cộng. Là
một di dân gốc Ái Nhĩ Lan, Mary kiếm sống bằng nghề nấu ăn. Rủi thay, Mary cũng là người mang
trùng S. typhi nhưng không có triệu chứng. Nghề nấu ăn của bà này đã lây bệnh cho 47 người trong đó có
3 người chết. Các nhà chức trách y tế công cộng đặc biệt quan tâm đến vai trò của những người chuẩn bị
thức ăn (foodhandlers) trong sự lây truyền bệnh tật. Một số vụ bộc phát thương hàn được truy nguyên
đến những người mang trùng làm việc tại các trại bò sữa, phát hiện này càng củng cố cho yêu cầu phải
thực hiện khử trùng kiểu Pasteur cho sữa. Mallon bị phát hiện là người mang mầm bệnh năm 1907, sau
khi những người chủ mướn bị bệnh. Các viên chức y tế công cộng thành phố New York buộc phải nhốt
Mallon lại, nhưng đến năm 1910 thì được thả ra và cấm không được làm nghề nấu bếp. Sau một vụ bộc
phát thương hàn năm 1915, nhà chức trách phát hiện Mallon làm đầu bếp tại nhà hộ sinh Sloane
Maternity. Bà ta bị nhốt trở lại trên đảo North Brother cho đến khi chết năm 1938. Các sử gia xã hội đã
gán những biện pháp hà khắc dành cho Mallon là do phân biệt giới tính, sắc tộc và giai cấp hơn là tình
trạng vi trùng học của bà này.

Người châu Âu hầu như không biết gì về bệnh tả châu Á mãi đến thế kỷ 19 khi bệnh này thoát khỏi quê
hương tổ tiên là Ấn Độ. Những mối giao thương, du lịch và can thiệp quân sự dường như đã phá bỏ các
rào cản khu vực vốn trước đây khu trú bệnh tả vào một số vùng nhất định tại Ấn Độ. Bệnh lan theo
hướng tây, trở thành bệnh lưu hành tại các khu vực mới và phát sinh ra những trận đại dịch lớn. Đến đầu
thế kỷ 21, 75 quốc gia và tất cả các châu lục đều có bệnh tả.

So sánh với các trận đại dịch bệnh dịch hạch hoặc bệnh cúm, bệnh tả thường di chuyển chậm dọc theo
các thương lộ chính, cho tới khi tàu hỏa và tàu thủy đã đẩy mạnh sự lưu thông hàng hóa, quân đội và vi
trùng. Mặc dù tính về số tử vong, bệnh tả không quan trọng bằng bệnh lao và sốt rét, nhưng bệnh tả đã
trở thành bệnh gây dịch đáng sợ nhất trong thế kỷ 19. Nỗi kinh hoàng do bệnh tả gây nên đã đóng một
vai trò quan trọng buộc nhiều thành phố phải thực hiện bảo đảm cung cấp nước sạch và những dự án y tế
công cộng cơ bản khác.

Bệnh tả thường khởi phát với các triệu chứng đột ngột và dữ dội, mặc dù một số bệnh nhân chỉ thấy khó
chịu ở ruột, chóng mặt và mệt mỏi. Nhiều trường hợp bắt đầu bằng ói mửa và tiêu chảy ồ ạt, khát nước,
bụng đau quặn từng cơn và một số triệu chứng khác. Bệnh nhân đi cầu ồ ạt, phân “đục như nước vo gạo”
do các chất nhầy trong lòng ruột bị tống ra ngoài, dẫn tới tình trạng bệnh nhân bị mất một lượng lớn dịch
cơ thể. Chỉ trong vài giờ, một người lớn khỏe mạnh có thể mất nước và teo đét lại như các xác ướp thời
xa xưa. Những ai sống sót có thể bị vọp bẻ, rét run hoặc sốt và mệt lã.

Đến đầu thế kỷ 20, Tây Âu hầu như không còn mắc bệnh tả nữa, nhưng bệnh tả vẫn còn là một vấn đề y
tế nghiêm trọng tại Nga, vùng Trung Đông, châu Phi và châu Á. Từ thế chiến thứ 1, những trận bùng
phát dịch tả tại các vùng nghèo khó nhất trên thế giới đã lấy đi mạng sống của 50-60% nạn nhân. Tử
vong chủ yếu là do kiệt nước và các biến chứng của tình trạng này. Khi được truyền dịch qua đường tĩnh
mạch, hầu như tất cả các bệnh nhân đều hồi phục, nhưng việc điều trị đòi hỏi phải có những nguồn lực y
tế khá phức tạp. Các nạn nhân bị kiệt nước trầm trọng bình thường không thể trở lại bình thường nếu chỉ
uống qua đường miệng, bởi vì nước không thể được hấp thu đủ nhanh để bù lại lượng dịch mất đi quá
nhiều. Tuy nhiên, ở nơi nào không thực hiện được truyền dịch, thì việc cho người bệnh uống dung dịch
muối đường thích hợp cũng có thể đưa tỷ lệ tử vong xuống còn 5%. Hình thức điều trị hiệu quả và đơn
giản này là một hình ảnh cực kỳ trái ngược với các phương pháp được nhiều bác sĩ thế kỷ 19 chủ trương.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.