được báo cáo trong thập niên 1980 tại các nhà giam tại New York City. Đến năm 1991, 20% số người
được chẩn đoán lao tại New York City đã kháng với các kháng sinh vốn thường được sử dụng để điều trị
bệnh (rifampin và isoniazid). Tỷ lệ tử vong /ca bệnh (Case fatalíty rates) đối với lao kháng thuốc lên đến
40-60% tức là bằng bệnh lao còn nhạy cảm với thuốc, nhưng chưa được điều trị. Trên phạm vi toàn cầu,
các nhà dịch tễ học ước tính có khoảng 300.000 ca bệnh lao mới kháng thuốc xuất hiện mỗi năm, đó là
chưa tính đến việc thiếu số liệu đáng tin cậy tại nhiều nước nghèo có tỷ suất HIV/AIDS cao. Các trường
hợp kháng thuốc thường xảy ra nhiều hơn tại các nước mà bệnh nhân không được điều trị đầy đủ, vốn là
điều kiện thuận lợi cho sự hình thành những chủng kháng thuốc. Tại nhiều nước, thuốc điều trị lao được
bán không cần đơn và thường được sử dụng không đúng cách.
Khi Penicillin được đưa ra sử dụng thành công trong thế chiến thứ hai đã dấy lên hy vọng là những
kháng sinh khác sẽ hiệu quả chống lại bệnh lao. Tiếc thay, những thứ thuốc có tác dụng trên mô hình lao
thực nghiệm trên động vật thí nghiệm lại không nhất thiết có hiệu quả trên người. Các báo cáo cho thấy
Streptomycin, kháng sinh do Selman A. Waksman (1888-1973) phát hiện năm 1943, được nhanh chóng
chứng tỏ có tác dụng trên người sau những thành công trên chuột lang. Tuy nhiên, những chế phẩm
streptomycin đầu tiên, không được tinh khiết đã gây nên nhiều phản ứng phụ nghiêm trọng, kể cả điếc.
Trong một số thử nghiệm thuốc, chỉ có 51% các bệnh nhân tiến triển tốt sau 6 tháng điều trị. Dần dần,
para-aminosalicylic acid, isoniazid, rifampin, và nhiều thuốc khác được đưa vào hàng ngũ thuốc trị lao.
Dù được sử dụng đơn thuần hay trong các phác đồ kết hợp nhiều thuốc, những thuốc hóa chất này đã làm
thay đổi cách xử lý và điều trị bệnh nhân lao và hầu như làm trống các dưỡng đường. Những nỗ lực
nhằm đánh giá vai trò của các kháng sinh tham gia làm giảm tỷ lệ tử vong bệnh lao trở thành phức tạp vì
lý do vaccine BCG đã được sử dụng rộng rãi chẳng bao lâu trước khi streptomycin được đưa vào phác
đồ.
Trên quan điểm y tế công cộng, ngay cả liệu pháp chỉ mới thực hiện một phần cũng hữu ích trong việc
chận đứng một trường hợp nhiễm lao đang hoạt động và làm đứt chuỗi lây truyền. Tuy nhiên, một liệu
pháp đầy đủ phải mất nhiều tháng. Như trong trường hợp bệnh phong, liệu pháp dài ngày kéo theo sự tốn
kém và tạo ra các điều kiện lý tưởng để vi trùng kháng thuốc phát triển. Mặc dù trực khuẩn lao tăng sinh
chậm, nhưng chúng rất dai sức; người ta đã nuôi cấy mọc trực khuẩn lấy từ các mẫu mô phẫu thuật và
giải phẫu học được nhúng trong dung dịch formalin nhiều năm. Tuy nhiên, nếu điều trị đúng, bệnh này
có thể chữa khỏi hoàn toàn. Vào thập kỷ 1960, việc thanh toán bệnh lao trên quy mô toàn cầu được coi
như nằm trong tầm tay của y học. Tuy vậy, vì nhiều lý do kinh tế-xã hội và chính trị phức tạp, trong thập
niên 1980, các nhà dịch tễ học thừa nhận rằng việc thanh toán là một khả năng xa vời. Lấy ví dụ, tại Mỹ,
nhà chức trách y tế công cộng đã phát hiện có tình trạng tăng khu trú số ca mới mắc lao tại những vùng
được đánh dấu là nghèo và HIV/AIDS. Bệnh lao kháng thuốc, thường đi kèm với AIDS, đã nêu bật ra sự
cách biệt quá lớn giữa những gì mà y học và các chương trình y tế công cộng mong đợi sẽ đạt được và
cái giá phải trả cho những thứ bệnh dịch cũ và mới.
Vào cuối thế kỷ 19, vi sinh học đã là một ngành vững mạnh, là cơ sở hình thành nhiều chuyên ngành.
Sách giáo khoa, báo chuyên môn, các viện nghiên cứu, lớp đào tạo về vi sinh học tăng trưởng cũng
nhanh như vi trùng. Năm 1879, cộng sự của Pasteur là Émile Duclaux (1840-1904) mở ra một khóa học
vi sinh học tại Sorbonne. Koch đưa ra một khóa học vi sinh y học tại Đại học Berlin năm 1884. Đến thập
niên 1890, ngay cả các trường y và trường cao đẳng nông nghiệp cũng bắt đầu đưa môn vi trùng học
trong chương trình giảng dạy. Môn vi sinh y học là một tác nhân kích thích quan trọng giúp cho các