đó, bắt đầu mọc trong giai đoạn này. Cuối cùng, nhiệt độ ấm hơn đã kích hoạt các tụ cầu phát triển và
chất penicillin đã được tiết ra trước đó trong môi trường chung quanh chỗ khuẩn lạc nấm đã giết các vi
trùng đang sinh sôi. Fleming đã gặp may, nhưng cũng cần phải đưa ra một chuỗi các sự kiện lần lượt như
thế để giải thích quan sát của Fleming, bởi vì penicillin không thể phân giải những khuẩn lạc tụ cầu đã
mọc thành đám. Khi kiểm định tác dụng của loài nấm của mình, Fleming khám phá rằng ngay cả ở dạng
thô và pha loãng, penicillin cũng làm ngưng sự phát triển của vi trùng và làm cho chúng chết đi. Tuy
nhiên, chất mới này về cơ bản hoàn toàn vô hại đối với các bạch cầu trong ống nghiệm. Thành phần hoạt
tính trong các chế phẩm penicillin của ông rõ ràng là không ổn định và rất khó để lấy được dạng tinh
khiết. Do không phải là một nhà lâm sàng có bệnh nhân hoặc là nhà hóa học, cho nên ít khi vào cùng một
thời điểm Fleming thu được penicillin và tìm được bệnh nhân phù hợp. Fleming cũng không thực hiện
các thí nghiệm trên động vật để chứng minh hiệu quả của penicillin chống lại vi trùng trên các động vật
bị nhiễm. Tuy nhiên, năm 1930, một trong những học trò cũ của Fleming đã thành công khi đem
penicillin dạng thô dùng ngoài để điều trị nhiễm trùng mắt.
Vào năm 1928, khi Fleming bắt đầu với Penicillin, các sách giáo khoa về trị liệu và dược lý học vẫn còn
khuyến cáo sử dụng các chế phẩm xa xưa của các chất thơm và muối kim loại nặng trong điều trị các vết
thương nhiễm trùng, cùng với những chất khử trùng tương đối mới như acid carbolic, oxy già, iodoform
và hypochlorit. Các nhà hóa học cũng đã đưa ra nhiều dạng mới đi từ các chất khử trùng đã biết, nhưng
các thầy thuốc nói chung tin rằng nếu bất cứ thứ thuốc nào hiện diện trong máu với nồng độ cao đủ sức
giết được vi trùng, thì đồng thời chất đó cũng làm tổn hại cho các mô và cơ quan của bệnh nhân. Sau khi
penicillin trở thành một thứ “thuốc thần kỳ” mới, Fleming than phiền rằng chẳng có nhà vi trùng học
hoặc bác sĩ nào chú ý đến penicillin mãi tới khi sulfanilamide được đưa vào sử dụng và làm thay đổi thái
độ đối với việc điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi trùng.
Mặc dù ai cũng biết câu chuyện tình cờ khám phá ra penicillin của Fleming, nhưng lại thường quên việc
penicillin vẫn chỉ là một cái mới trong phòng thí nghiệm mãi đến thế chiến thứ 2. Cả hai khía cạnh của
câu chuyện penicillin được ghi nhận vào năm 1945 khi giải Nobel về Sinh lý-Y học được trao cho
Alexander Fleming, Howard Walter Florey (1898-1968), và Ernst Boris Chain (1906-1979) vì “có công
khám phá ra penicillin và tác dụng chữa bệnh của chất này trong nhiều bệnh truyền nhiễm”. Tuy nhiên,
Almroth Wright cứ khăng khăng rằng Fleming phải là người được hưởng toàn bộ công trạng khám phá
và tít lớn trên một số tờ báo nổi tiếng ghi rằng giải Nobel vào tay “Fleming và hai cộng sự”.
Năm 1938, Florey - Giám đốc của trường Bệnh lý mang tên William Dunn tại Đại học Oxford, cùng với
Chain và Norman Heatley bắt đầu nghiên cứu có hệ thống các chất kháng vi trùng có trong tự nhiên,
trong đó có lysozym và những chất do các vi sinh vật sản xuất. Trong vòng hai năm, họ đem thử nghiệm
penicillin được tinh chế một phần trên chuột nhắt được gây nhiễm với tụ cầu có độc lực cao. Những thí
nghiệm về sau chứng minh rằng penicillin có tác dụng với tụ cầu và nhiều tác nhân gây bệnh khác. Khi
thấy penicillin có tác dụng như một viên đạn thần kỳ lý tưởng trên chuột nhắt, nhóm Oxford nhanh
chóng chuyển sang thí nghiệm trên người. Bệnh nhân đầu tiên là một người đàn ông 43 tuổi bị nhiễm
trùng vừa tụ cầu lẫn liên cầu. Mặc dù khi bắt đầu điều trị thì bệnh đã quá nặng gần như sắp chết, tác dụng
của penicillin rất khả quan. Rủi thay, mặc dù sau đó người ta cố lọc lại penicillin từ nước tiểu bệnh nhân
nhưng chẳng bao lâu nguồn thuốc cũng cạn và bệnh nhân chết. Một báo cáo về trường hợp thử thuốc trên
lâm sàng lần đầu tiên được công bố trên tờ Lancet, nhưng những nghiên cứu sâu hơn lại trở thành một
phần trong nỗ lực bí mật phục vụ chiến tranh.