Vẫn còn là vấn đề tranh cãi đối với các cố gắng cân bằng nhu cầu đưa thuốc ra sử dụng với nhu cầu ngăn
ngừa việc chấp nhận những thứ thuốc tiềm tàng nguy hiểm. Trong thập niên 1980, những nhà hoạt động
cho phong trào ung thư và AIDS đã yêu cầu sớm đưa các thuốc mới ra sử dụng. Họ lập luận rằng, đối với
những người mắc các bệnh gây chết, thì cái lợi từ thuốc mới hơn hẳn bất cứ nguy cơ nào nếu có. Tuy
nhiên, những người mắc các bệnh mạn tính và bệnh nặng lại rất dễ bị tác động bởi các phản ứng tương
tác có hại, không mong đợi giữa các thứ thuốc. Các cơ quan quản lý thường yêu cầu phải cảnh giác liên
tục để ngăn ngừa các thảm kịch kiểu thalidomide, trong khi đó những người chỉ trích quy trình chấp nhận
một thứ thuốc là dài, chậm và càng ngày càng đắt tiền, cứ khăng khăng cho rằng các thứ thuốc mới cứu
sống mạng người lại bị các viên chức bàn giấy máu lạnh làm trì hoãn. Ít ai nhớ rằng chính Frances
Kelsey, trong vai viên chức bàn giấy và “người gác cổng” đã ngăn chặn không cho phân phối rộng rãi
thalidomide ra khắp nước Mỹ. Lập luận này lại càng trở nên phức tạp khi thừa nhận rằng ngay cả một
thứ thuốc như thalidomide, nổi danh là một thuốc sinh quái thai, cũng có giá trị nào đó trong việc điều trị
một số bệnh như phong, một số tình trạng có liên quan đến AIDS chẳng hạn như loét gây bỏng rát trong
miệng và sự suy kiệt toàn thân, viêm khớp và những bệnh viêm khác, bệnh Crohn, xơ cứng rải rác, bệnh
Alzheimer, đa u tủy, hội chứng dị sản tủy (cũng còn gọi là tiền - ung thư bạch huyết) và các ung thư
khác. Dường như thalidomide ngăn chặn sự phát triển bình thường các chi của bào thai khi ngăn chận
không cho hình thành các mạch máu mới (angiogenesis). Làm tắc không cho mọc ra các mạch máu mới
là một trong những chiến lược có thể có giá trị trong điều trị một số ung thư, bởi vì giống như tay chân
của thai nhi, các u bướu đều cần có các mạch máu mới để có thể phát triển.
Các tổ chức đại diện cho các nạn nhân trưởng thành, sống sót của tai họa thalidomide đã bác bỏ những
cố gắng nhằm phục hồi thứ thuốc gây quái thai, gây ra lắm tranh cãi này. Khi thalidomide được phép đưa
vào sử dụng tại Mỹ năm 1998, các thành viên của Hiệp Hội Nạn nhân Thalidomide tại Canada đã chọn
một lập trường dứt khoát rằng họ “không bao giờ chấp nhận một thế giới trong đó có thalidomide”.
Thậm chí với khả năng xa vời là thuốc này có thể giúp ích cho các nạn nhân mắc phải những bệnh chết
người hoặc gây suy mòn, họ cũng cảnh báo rằng, thuốc này có thể đưa tới việc sử dụng bất cẩn, thiếu
trách nhiệm, thiếu quản lý và khả năng thai nhi phơi nhiễm với thalidomide cũng như nguy cơ tổn
thương thần kinh trên người lớn. Thay vì cho chấp nhận khả năng để xuất hiện một thế hệ nữa các nạn
nhân thalidomide, Hiệp hội cho rằng việc nghiên cứu sẽ giúp phát triển các chất tương tự thalidomide mà
không kèm các tác dụng sinh quái thai. Tuy nhiên, các tác dụng chống ung thư có thể có của thalidomide
và các chất dẫn xuất của nó có thể đi qua một lộ trình tương tự đã gây nên chứng bệnh tay chân hải cẩu.
Các nạn nhân thalidomide hối thúc bắt buộc phải in kèm hình ảnh một đứa trẻ nạn nhân thalidomide và
các thông tin hướng dẫn khác trong tất cả các bao bì đựng thalidomide và cách sử dụng chính của tên
thuốc này trên bất cứ tên thương mại nào mới khác.
Cả hai ý kiến về sự tiến bộ và vai trò của y học đều là vấn đề tranh luận khi người ta phân tích tỷ suất
chết và mắc bệnh dưới góc độ một sự quá độ từ những bệnh truyền nhiễm cũ đến những bệnh của sự
thừa thải và bệnh do tiến bộ y học, và khi bệnh nhân thấy càng ngày càng nản lòng trước những ước
vọng dâng trào là sẽ khỏi bệnh và được sống thoải mái. Nhiều nhà khoa học và thầy thuốc nhất trí với
những gì mà Benjamin Franklin đã từng nói vào năm 1772: “Nói chung thì dường như người ta chẳng
hiểu gì mấy các học thuyết về cái sống và cái chết”. Những cuộc tranh luận về chăm sóc y tế đã được đề
cập một cách thận trọng trong các tạp chí nghề nghiệp và tài liệu học thuật, và đầy sôi nổi trong các sách
báo phổ thông và câu chuyện truyền hình. Nếu có thêm 500 trang nữa cũng không bàn hết những vấn đề
này, nhưng có lẽ chỉ cần một cuộc khảo sát đơn giản về lịch sử y học cũng thu được một số thực tế và